Đó là lời ca khúc “Bài ca Người chiến sĩ áo trắng” của nhạc sĩ Hoàng Vân dành tặng những y bác sĩ không ngại gian khó, cống hiến sức lực để cứu chữa người bệnh ở mọi lúc, mọi nơi, trong đó có cả chiến trường khốc liệt. Cùng với đội ngũ y bác sĩ cả nước, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm y bác sĩ Hà Nội đã vào chiến trường miền Nam cứu chữa cho thương binh nơi tuyến đầu cuộc chiến.
Giấu chuyện riêng để được vào chiến trường
Trong câu chuyện kể về những ngày vào Mặt trận Quảng Trị, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân, Đại tá Nguyễn Kim Nữ Hiếu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn cười vui về sự “liều lĩnh” của mình.
Vốn là con gái của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Huyên và là vợ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, phát huy truyền thống gia đình, ngay từ khi còn trẻ, nữ bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu đã luôn khát khao được cống hiến sức lực cho đất nước, cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Sự “liều lĩnh” ấy đã giúp bà thực hiện được niềm khát khao đó.
Đầu tháng 12/1971, khi nhận được thông báo có trong danh sách đoàn chuyên khoa sâu của Bệnh viện Quân đội 108 vào chiến trường tham gia cứu chữa thương binh, cũng là lúc nữ bác sĩ trẻ nghi ngờ mình mang thai đứa con đầu lòng. Sau khi bàn với gia đình, nhận được sự động viên của mọi người, cô Hiếu đã giấu chuyện riêng của mình để tham gia đoàn chuyên khoa sâu đi chiến trường. Bởi cô hiểu tính chất quan trọng của lần vào chiến trường đó, nếu không đi đợt này sẽ không có cơ hội cho lần sau. Đoàn có 20 người, trong đó có 5 bác sĩ. Nữ Hiếu là nữ bác sĩ trẻ nhất và là nữ bác sĩ đầu tiên được điều động vào chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ.
Đúng ngày 3/2/1972, bác sĩ Hiếu cùng đoàn chuyên khoa sâu đi ô tô vào Quảng Bình, rồi tiếp tục hành quân đường bộ vào Quảng Trị. Để đến được đích đến là huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cả đoàn phải đi theo trục H, gồm 9 cung đường, mỗi cung đường là một quả núi và thời gian vượt qua một quả núi mất trọn một ngày.
Khi đi được gần nửa đường, do sức khỏe của cô và một y tá khác không đảm bảo, ảnh hưởng đến tốc độ hành quân của cả đoàn và khả năng dễ bị địch phục kích, trưởng đoàn yêu cầu hai cô trở lại trạm H ban đầu. Về đến nơi, khi mọi người hỏi, cô trả lời: “Chúng tôi phải quay lại vì chúng tôi thiếu rèn luyện, giờ tôi phải rèn luyện để đi chiến trường”. Ngày nào hai cô cũng đeo ba lô leo núi, tập nhìn xuống vực sâu để quen dần cảm giác. Khi nhận được yêu cầu quay ra Bắc, cô kiên quyết vào chiến trường và nhập vào đội điều trị 204 cùng hành quân. Trên đường hành quân, cô hiểu được nguyên tắc phải ngủ hầm thùng, không được ngủ mặt bằng, ngủ ven suối hay các hốc đá để tránh thám báo, tránh bom đạn.
“Nhiều lúc nghĩ lại, không hiểu sao tôi và anh chị em lại leo qua được vách núi rất hẹp, bên dưới là vực sâu thẳm. Khi xuống, dốc núi thẳng đứng, chị em phải ngồi xuống để tụt. Rồi lúc đi trong rừng, trời mưa nhiều nên đường trơn trượt, giày dưới chân cứ tụt ngược lên, đất đỏ bám dính bết xung quanh, đã thế rừng lại rất nhiều vắt. Thế nhưng tôi và anh chị em đều vượt qua hết”, bà Nữ Hiếu kể lại.
Bà cũng nhớ lại, căng thẳng nhất là hôm vượt qua sân bay Tà Cơn bị địch phát hiện, chúng quần máy bay cả đêm để rà soát. Đến gần sáng, bộ đội bờ Bắc sông biết được quân ta hành quân vào Nam nên nổ súng thu hút địch về phía bên kia, nhằm đánh lạc hướng chúng. Khi máy bay địch bỏ đi, cả đoàn tháo chạy vượt qua được sân bay, vừa hay đặt chân vào rừng cũng là lúc trời sáng.
Vào đến huyện Hướng Hóa, bà gặp lại đoàn chuyên khoa sâu của bệnh viện, cả đoàn nhập vào Đội điều trị 204 của Mặt trận Quảng Trị để làm việc. Ngay đêm đầu tiên, bà đã được Đội điều trị mời sang hội chẩn cho bệnh nhân và bà đã chẩn đoán bệnh sốt rét ác tính, đồng thời nhận trách nhiệm điều trị cho bệnh nhân. Ca bệnh biến chuyển tốt, bà đã tạo được uy tín cho cả đội ngay từ ngày đầu tiên. Những ngày ở đó, không chỉ khám chữa bệnh, bà còn đảm nhiệm các công việc của hộ lý, y tá (từ tiêm, cho bệnh nhân uống thuốc đến lau chùi, bón cho bệnh nhân ăn).
Bà chia sẻ, thời điểm Mặt trận Quảng Trị chưa diễn ra cuộc chiến, thương binh chủ yếu vấp phải mìn lá, bị cụt chân; sau này chấn thương gặp phải là vết thương hỏa khí. Do đặc thù ở trong rừng lâu ngày, nhiều nữ bệnh nhân mắc bệnh rối loạn thần kinh và đều được các bác sĩ tận tình chữa trị.
“Sau này bệnh nhân đông lên, Đội điều trị tách thành hai khoa Nội và Ngoại. Tranh thủ thời gian này, tôi và các y, bác sĩ trong đội vừa cứu chữa thương binh, vừa học huấn luyện chuyên môn để nâng cao nghiệp vụ trong những ngày ở chiến trường. Ngày 1/5/1972, thời điểm giao chiến giữa bộ đội ta và quân địch bắt đầu diễn ra, cũng là lúc anh chị em trong Đội điều trị 204 căng mình cứu chữa thương binh. Một thời gian sau, để đảm bảo an toàn sức khỏe, tôi phải trở ra Bắc”, bà Nữ Hiếu tâm sự.
Tháng 9/1972, bác sĩ Nguyễn Kim Nữ Hiếu đã sinh con trai đầu lòng Nguyễn Lân Hiếu khỏe mạnh trong sự vui mừng của cả gia đình. Anh luôn được đồng nghiệp của bác sĩ Nữ Hiếu và gia đình nhắc đến dấu ấn đặc biệt, được hành quân cùng mẹ vào chiến trường khi còn trong bụng mẹ. Đó cũng là niềm tự hào của anh và anh đã tiếp bước truyền thống gia đình, có nhiều đóng góp cho nền y học nước nhà.
Hiện anh Nguyễn Lân Hiếu là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Anh đồng thời là đại biểu Quốc hội khóa XIV và là Phó Chủ nhiệm bộ môn Tim mạch Đại học Y Hà Nội.
Nữ y sĩ chiến trường Tây Nguyên
Đối với Trung tá - Bác sĩ, Thầy thuốc Ưu tú Trần Thị Thục Oanh, những ngày tháng phục vụ chiến trường Tây Nguyên trong màu áo trắng ngành Y là những tháng ngày không quên.
Năm 1951, đang học lớp 7 tại Tuyên Quang, Thục Oanh được tỉnh tuyển chọn đi học lớp y tá để phục vụ kháng chiến ở Đoan Hùng (Phú Thọ). Học xong, Thục Oanh được điều về Bệnh viện Quân y 6, tham gia phục vụ các Chiến dịch Tây Bắc, Hòa Bình và Điện Biên Phủ… Những chuyến đi gian khổ, ác liệt để lại trong bà nhiều kỷ niệm buồn vui, nhất là chuyến vượt Trường Sơn vào Mặt trận Tây Nguyên năm 1966.
Bà Trần Thị Thục Oanh xúc động nhớ lại quãng thời gian bà và các nữ đồng nghiệp sang Gia Lâm rèn luyện trước khi vào Nam: “Tháng 12/1965, đang là y sĩ hóa nghiệm của Bệnh viện Quân đội 108, tôi nhận được lệnh tập trung để chuẩn bị đi B. Phần lớn cán bộ, nhân viên được lấy đi từ Quân y viện 108, 103 và các cơ sở trực thuộc Cục Quân y để thành lập Bệnh viện 84 (sau này được đổi tên là Viện 211 - tên ghép của hai Bệnh viện 103 và 108). Khi đó, các nữ cán bộ, nhân viên được tập trung gồm 24 chị em và hầu hết đều ở độ tuổi từ 17 đến 30”.
Đoàn cán bộ nữ quân y được tập kết tại Trường Sĩ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần) ở Gia Lâm, Hà Nội. Mặc dù là nữ nhưng họ cũng phải thực hiện như quân nhân nam, phải đeo những ba lô gạch nặng hàng chục cân để hành quân bộ. Sau một tuần tập luyện, nhiều người bị bỏng rát hai vai nhưng không ai kêu ca, phàn nàn. Trái lại, những gian khổ đó càng khiến cho mọi người quyết tâm tập luyện để chuẩn bị cho ngày vượt Trường Sơn vào Nam.
Tập luyện khoảng gần hai tháng, tới đầu năm 1966, đoàn gồm 24 nữ bác sĩ, y tá đã nhận lệnh rời Hà Nội vào chiến trường Tây Nguyên với tư trang gồm: Ba lô, dép cao su, trang phục quân giải phóng, tăng võng, một kg đường, một bi-đông nước, một lọ mắm ruốc mặn, ba lạng mỳ chính, một hộp kim chỉ và 10 kg gạo. Trước khi đi, tất cả được quán triệt không được để lộ bất cứ thông tin gì liên quan đến miền Bắc.
Những ngày đầu họ được ngồi ô tô, thế nhưng dọc đường đi, do bị đánh bom quá nhiều và lũ gây tắc đường nên đoàn phải đi bộ, leo hết núi này đến núi khác. Sau ba ngày, hai bàn chân của những cô gái phồng rộp, rát bỏng. Trên con đường máu vào miền Nam, gặp gỡ với nhiều gương mặt thân yêu, chứng kiến nhiều câu chuyện đau thương, cùng với sự tàn khốc của chiến tranh đã khiến cô gái Thục Oanh trắng trẻo, hồng hào, xinh đẹp trở nên gày gò. Gần ba tháng vượt Trường Sơn, bà Thục Oanh đã sụt 10 cân, da sạm đi. Nhiều nữ chiến sĩ quân y đã phải cắt đi những bộ tóc dài óng mượt cho khỏi vướng và tránh bị chấy rận. Sống giữa vùng bị rải chất độc hóa học, nhưng không phải ai cũng biết để tránh, vì thế mà nhiều chị không hiểu tại sao mái tóc của mình ngày càng có nhiều sợi bạc.
Bác sĩ Thục Oanh kể lại: “Trên đường hành quân vào Nam, chúng tôi phải mắc võng ngủ ngoài rừng và có một thứ làm cho các cô gái Hà Nội rất sợ, đó là những con vắt. Để tránh vắt, chúng tôi phải treo võng thật cao, sau đó kê hai hòn đá để trèo lên. Ba lô, quần áo bị chuột rừng cắn rách, những đồ dùng tế nhị của phụ nữ cũng phải tự khâu, tận dụng từ mảnh vải bao gạo”.
Sau một năm làm nhiệm vụ ở chiến trường, đầu năm 1967, nữ y sĩ Thục Oanh được phân công về Đoàn K20 đóng quân ở khu rừng ven sông Sekong của huyện Samakkhixay, tỉnh Attapeu, nước Lào. Tại đây, ngoài nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe cho Đoàn K20, Thục Oanh còn phải tiếp nhận, cứu chữa những thương binh, bệnh binh hành quân qua đây. Nữ y sĩ Thục Oanh phải đóng vai vừa là “đốc-tờ”, vừa là em gái của “ông chủ tư sản” Nguyễn Đức Phương (Binh trạm trưởng Binh trạm 37, người “nhập vai" nhà buôn chuyên thu mua, vận chuyển vũ khí, hàng hóa từ Campuchia tới các đơn vị ở Tây Nguyên và một phần Nam Bộ).
Với trí thông minh và nhanh nhẹn, cô gái Hà Nội gây được cảm tình với người dân địa phương. Công việc làm ăn, buôn bán của nữ “đốc-tờ" và ông chủ diễn ra suôn sẻ cho tới năm 1969, khi bà Oanh bị ốm nặng do sốt rét, phải chuyển ra Bắc. Bà được cấp trên cho đi học chuyên tu bác sĩ, sau đó học thêm chuyên khoa về công tác tại Quân y, Cục Xe máy Tổng cục Hậu cần (sau là Cục Xe máy Tổng cục Kĩ thuật).
Công tác liên tục trong ngành y quân đội cho đến khi nghỉ hưu, bà luôn thực hiện theo lời Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu”. Suốt cuộc đời bà, từ khi là hộ lí, y tá, y sĩ, rồi bác sĩ chuyên khoa 1, thầy thuốc ưu tú, lúc nào bà cũng hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao, đóng góp sự nghiệp giải phóng đất nước.
Sau hơn 40 năm nhận nhiệm vụ vào chiến trường, giờ đây, Trung tá - Bác sĩ Trần Thị Thục Oanh cùng các nữ chiến sĩ Quân y Viện 211, thuộc chiến trường Tây Nguyên đều đã cao tuổi. Trong ký ức của các bà, những năm tháng gian khổ, đói, rét, bệnh tật và bom đạn... vẫn luôn là động lực để sống và tiếp tục cống hiến cho đất nước.
Năm nay 85 tuổi, Trung tá - Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú Trần Thị Thục Oanh vẫn hoạt động không ngừng vì nghĩa tình đồng đội. Tại phòng khám tư của mình, mỗi người đến khám bà chỉ lấy 2.000 đồng, người nào có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em bà đều không lấy tiền. Bà còn tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trên khắp đất nước. Ngay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, bà đã làm đơn đăng ký được tham gia, mong muốn góp sức vào công cuộc phòng, chống dịch của đất nước, như những ngày bà cùng đồng đội hành quân vào miền Nam ruột thịt.
Bài 3: Chiến sĩ cầm bút trên mặt trận kháng chiến