Nhiều nguyên nhân khiến giải ngân vốn chậm
Tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết tháng 11/2021, các cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam mới giải ngân được 1.501,88 tỷ đồng trên tổng số vốn được phân bổ kế hoạch năm 2021 là 2.980,69 tỷ đồng, đạt 50,39%. Trong số này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp nhất, đạt 23,53% (68,9/292,8 tỷ đồng), cao nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam 70,51%.
Việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chậm có nguyên nhân khách quan là do dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc khống chế khó khăn hơn nhiều so với năm 2020, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài để phòng, chống dịch, làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng.
Công tác triển khai phòng, chống dịch tại một số địa phương còn thiếu thống nhất, đồng bộ, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng, chậm tiến độ triển khai dự án. Hầu hết các công trình xây dựng phải tạm dừng thi công tại khu vực có mức nguy cơ rất cao. Sau thời gian tạm dừng thi công do dịch, việc huy động nhân công trở lại công trường gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, giá các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh; công tác giải phóng mặt bằng có nhiều vướng mắc do cơ chế chính sách thay đổi. Đối với các dự án khởi công mới, tháng 7/2021 Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, theo đó, tháng 9/2021, Thủ tướng Chính phủ mới giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này nên cuối tháng 9, đầu tháng 10 các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới phân bổ và giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới.
Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan là công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, sự lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm chính trị, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém; việc phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, công tác thẩm định, tư vấn còn chậm; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án còn bất cập…
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, tổng vốn được phân bổ của cơ quan này năm 2021 là 973,7 tỷ đồng, cho 109 dự án, đã giải ngân được 41,8%. Dự tính đến 31/1/2022, sẽ giải ngân được 80% số vốn kế hoạch.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý được vị đại diện này đưa ra là các văn bản hướng dẫn Luật Xây dựng khiến quá trình thực hiện còn vướng mắc. Cụ thể là quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP (về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng) khiến cho đơn vị vướng về thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng. Từ khi đơn vị đề nghị đến khi tháo gỡ được phải mất 10 tháng, nên ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Về lâu dài, cần sửa nghị định.
Trước yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc làm rõ vướng mắc này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện Bộ đang sửa đổi các nghị định để tháo gỡ khó khăn. Các nội dung Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu ra đã được Bộ đưa vào nghị định sửa đổi.
Là đơn vị tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phân bổ vốn cho các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong 8 đơn vị. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống lý giải, trong kế hoạch năm 2021, Bộ có 26 dự án và 6 nhiệm vụ quy hoạch, trong đó 13 dự án khởi công mới (chủ yếu ngành thống kê), mới được bổ sung vốn để triển khai nên các thủ tục lựa chọn nhà thầu thi công bị chậm. 6 nhiệm vụ quy hoạch mới được Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến đến hết 31/1/2022, Bộ giải ngân 259,93 tỷ đồng, đạt 88,8% kế hoạch.
Nêu lên một số nguyên nhân khách quan, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Tuấn Hùng cho biết, đến hết ngày 31/12/2021 sẽ giải ngân xong vốn của năm 2021. Ngành có 6 dự án, trong đó có 5 dự án mới, 1 dự án chuyển tiếp.
Phải kiểm soát, đốc thúc tiến độ
Chia sẻ với các bộ, ngành về những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, song, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ không hài lòng với kết quả giải ngân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi Bộ vừa là đơn vị hướng dẫn, thẩm định dự án đầu tư công của các bộ, ngành, vừa tham mưu cho Chính phủ, nhưng lại giải ngân thấp nhất.
Chỉ rõ dự án xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công của Bộ này “nghe hoành tráng, có ghi vốn, nhưng triển khai ỳ ạch”, Phó Thủ tướng lưu ý, “nhiệm vụ này theo xu thế thời đại là rất quan trọng, nhưng thực hiện phải sát với tình hình. Do bố trí số vốn cao, không tiêu hết được nên tỷ lệ giải ngân thấp, còn lường trước được, phân kỳ ra cho sát thì sẽ đạt tỷ lệ cao. Dù vốn không lớn nhưng là vấn đề đáng quan tâm trong tổ chức thực hiện”.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, cơ quan, nếu không tiếp tục thực hiện được dự án, cần điều chuyển vốn cho các dự án khác, vì lợi ích chung. Đầu tư công là một trong những nhân tố góp phần tăng trưởng kinh tế, làm chậm là không được, ảnh hưởng đến chỉ tiêu tăng trưởng.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, vốn phân bổ cho 8 cơ quan không lớn, dự án không nhiều, nhưng giải ngân thấp, đạt 50,39%, thấp hơn cả bình quân chung của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Phân tích các nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có giải pháp khắc phục từ nay về sau. Các năm tiếp theo phải hết sức lưu ý, từ khâu chuẩn bị đầu tư, đề xuất dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng, quy hoạch.
“Cứ đợi vốn xong không làm hoặc tranh thủ thời cơ trình hồ sơ chưa đủ rồi ghi vốn vào, nghĩ mình làm được cuối cùng không làm được, làm hạn chế trong sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Đề nghị trong tổ chức thực hiện phải kiểm tra, kiểm soát, đốc thúc tiến độ”, Phó Thủ tướng nói.
Với kiến nghị điều chỉnh thời gian giải ngân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận ý kiến này, tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Với kiến nghị về thể chế, Phó Thủ tướng cho rằng, liên quan đến nghị định nào, đặc biệt là Nghị định 06/2021/NĐ-CP, phải rà soát lại, có xử lý dứt điểm trên tinh thần quy định phải đúng thẩm quyền, kiểm tra, kiểm soát thuộc chức năng, nhiệm vụ, nhưng không làm chậm tiến độ triển khai và giải ngân các dự án. Nếu sơ xuất trong quy định thì phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, còn nếu hiểu không đúng thì phải giải thích rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục rà soát lại báo cáo, chuẩn xác số liệu giải ngân đến hết tháng 11, dự kiến đến hết 31/12/2021 và hết tháng 1/2022, có đề xuất vấn đề điều chuyển vốn trong nội bộ bộ, ngành hay giữa các bộ, ngành, địa phương để xử lý hiệu quả nguồn vốn.
Còn hơn một tháng nữa là hết thời hạn giải ngân, Phó Thủ tướng nêu rõ, trong điều kiện hiện nay chúng ta đã bắt đầu mở cửa, thực hiện các biện pháp chống dịch theo phương châm linh hoạt, các bộ, ngành, cơ quan rà soát lại các dự án, thúc đẩy có khối lượng để giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất có thể. Đề nghị các bộ, ngành năm tới có trách nhiệm hơn, quyết liệt, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm và 5 năm.