Sẽ kết nối toàn bộ 87 thủ tục trên cơ chế một cửa quốc gia
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, đến nay, Bộ có 255 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 (trong đó có 165 dịch vụ mức độ 3, 90 dịch vụ mức độ 4). Trong 2 năm 2017- 2018, mỗi năm có gần 400.000 hồ sơ được thực hiện theo phương thức trực tuyến trong tổng số 1,6 triệu hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Ba năm liên tiếp 2016-2018, Bộ Giao thông vận tải dẫn đầu về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (trong số 20 bộ, ngành) theo đánh giá xếp hạng ICT Index quốc gia.
Bộ Giao thông vận tải là Bộ đầu tiên tham gia cơ chế một cửa quốc gia và cũng là Bộ có số lượng thủ tục tham gia cơ chế này nhiều nhất, số lượng nghiệp vụ trải rộng trên nhiều lĩnh vực: hàng hải, đường thủy nội địa, hàng không, đăng kiểm và đường bộ.
Bộ Giao thông vận tải đăng ký triển khai 87 thủ tục hành chính tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, trong đó 12 thủ tục đã triển khai trong giai đoạn thí điểm (2014 - 2017) và 75 thủ tục triển khai trong giai đoạn 2018 - 2020.
Đến ngày 10/11/2018, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành xây dựng và chính thức đưa 70 thủ tục hành chính tham gia cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số thủ tục hành chính tham gia cơ chế này là 82 thủ tục (trong đó, hàng hải: 11 thủ tục, đường thủy nội địa: 6 thủ tục, đăng kiểm: 5 thủ tục, đường bộ 60 thủ tục). Còn lại 5 thủ tục lĩnh vực đường bộ sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 11/2018, hoàn thành cung cấp 100% các thủ tục hành chính đã đăng ký tham gia cơ chế một cửa quốc gia.
Thông tin thêm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, trong 3 năm thực hiện đưa 12 thủ tục kết nối một cửa qua cơ chế một cửa quốc gia (tiên phong là lĩnh vực hàng hải), đã có gần 276 nghìn hồ sơ nộp trực tuyến, hoàn thành giải quyết trên 253,7 nghìn hồ sơ (đạt 92,23%) và hiện có 8.834 doanh nghiệp tham gia.
Nhiều thủ tục sau khi đưa vào tham gia cơ chế một cửa quốc gia, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tăng nhanh, như nhóm thủ tục lĩnh vực đăng kiểm từ khi đưa vào sử dụng (tháng 10/2015) đến nay toàn bộ hồ sơ đều được doanh nghiệp nộp trực tuyến, không còn hồ sơ giấy.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan đầu năm 2018, số hồ sơ của Bộ Giao thông vận tải chiếm 25,34% tổng số hồ sơ và số lượng doanh nghiệp chiếm 38,58% tổng số doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia. Hết năm 2018, Bộ sẽ đưa vào kết nối toàn bộ 87 thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân.
Về công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ Giao thông vận tải đã cắt giảm 69/134 sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; đơn giản hóa 7/9 thủ tục hành chính liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành (chiếm 77,78%).
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng địnH cam kết “cắt giảm thực chất”, “cắt là cắt, giảm là giảm, không phát sinh thêm thủ tục khác. Nếu báo chí và các doanh nghiệp phát hiện được phản ánh đến Bộ, chúng tôi xử lý ngay, vì chúng tôi đã quán triệt cắt giảm thủ tục hành chính là tạo điều kiện thuận lợi nhất, không phải chúng ta cắt giảm ở chỗ này mà phình chỗ khác, và chúng tôi cũng đã quán triệt việc này rất rõ. Do đó, liên quan tới cục, đơn vị nào có thủ tục này, chúng tôi sẽ kiểm điểm trách nhiệm ngay, dứt khoát”.
Tại buổi làm việc, các bộ, ngành đều đánh giá cao việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đề nghị Bộ mở rộng phạm vi và hướng tới chứng từ điện tử đối với các thủ tục đã kết nối một cửa quốc gia; chủ động rà soát các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực; đẩy mạnh công tác đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia thủ tục hành chính trên cổng thông tin một cửa; chỉ đạo các cơ quan phối hợp với Bộ Tài chính triển khai chương trình giám sát hải quan tự động cảng biển, cảng hàng không. Hiện hai cảng Hải Phòng và Cát Lái đã triển khai chương trình giám sát hải quan tự động cơ bản thành công.
Bà Vũ Thị Mai cho biết, tháng 12/2018 sẽ triển khai chương trình này ở cảng Hàng không Tân Sơn Nhất. Bà mong muốn Bộ Giao thông vận tải phối hợp thực hiện cho thông suốt, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý của cơ quan nhà nước.
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan đánh giá cao sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ trong cải cách hành chính, song, ông cho biết vẫn còn hạn chế. Theo ông, tiếp cận cải cách hành chính nói chung cần theo hướng thể chế đi trước, công nghệ thông tin đi sau. Cần tập trung hoàn thiện thể chế, thực hiện cải cách quy trình, chuẩn hóa quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính và hàng năm rà lại thủ tục hành chính liên thông với các bộ.
Không để kiểm tra chuyên ngành làm ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra thực tế, có một số bộ, ngành tuyên bố cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng khi ban hành văn bản lại cắt giảm ít, chưa đúng cam kết.
Cũng có tình trạng ban hành văn bản mới, bãi bỏ được điều kiện này lại “đẻ” ra điều kiện khác, mà như một số chuyên gia nói là “cài cắm” các điều kiện khác. Hay tình trạng ban hành văn bản pháp luật rất tốt, nhưng thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp với người dân và doanh nghiệp còn có khoảng cách. Vì vậy năng lực cạnh tranh và điều kiện về môi trường kinh doanh của nước ta tuy có cải thiện nhưng doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, nhiều rào cản.
Phó Thủ tướng nêu rõ, để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 01 là cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục chuyên ngành, kết nối một cửa với ASEAN và triển khai mạnh mẽ kết nối các thủ tục hành chính trên cổng một cửa quốc gia là một thách thức rất lớn.
Chính vì vậy, Chính phủ đặt mục tiêu trong năm 2019 là phải cải thiện các điều kiện kinh doanh một cách “thực chất” hơn nữa, phải cắt giảm thực sự, cắt cái này thì không được “đẻ” ra cái khác một cách vô lý.
“Tất nhiên, chúng ta tạo thuận lợi thương mại nhưng phải đi kèm với chống gian lận thương mại, chứ không phải mở toang cửa hết ai muốn vào thì vào. Quan trọng là phải giữ những gì hợp lý, không tạo thuận lợi thương mại một chiều; chống thất thu thuế, bảo vệ sản xuất kinh doanh và đời sống ở trong nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, một mặt, đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, nhưng “không phải cái gì tiền kiểm cũng là tốt, không phải hậu kiểm cái gì cũng là hay”. Có những mặt hàng cần phải tiền kiểm. Tiền kiểm nếu quy định không khéo dễ bị “hành”, do vậy, phải quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn, xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Ghi nhận Bộ Giao thông vận tải là một trong những cơ quan tích cực nhất trong chỉ đạo triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước về cơ chế một cửa quốc gia, song, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Bộ còn dư địa và còn phải tiếp tục cải cách nhiều hơn trong thời gian tới, đòi hỏi sự đồng lòng, đồng sức của lãnh đạo, cán bộ, công chức của ngành.
Các lĩnh vực quản lý của Bộ đều trực tiếp liên quan tới người dân và doanh nghiệp, không chỉ trong nước mà cả quốc tế, nên việc thực hiện các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa có ý nghĩa rất lớn trong giảm thời gian và chi phí tuân thủ của xã hội.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ quán triệt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tác dụng của cải cách thủ tục hành chính nói chung và thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại nói riêng.
Bộ lưu ý mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Bộ cố gắng trở thành Bộ đầu tiên hoàn thành việc kết nối 100% thủ tục trên cơ chế một cửa quốc gia.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý Bộ Giao thông vận tải tiếp tục cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Tiếp tục thực hiện nguyên tắc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng nguyên lý quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp, quan trọng là minh bạch, công khai phương pháp, tiêu chí kiểm tra, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn đánh giá. Rà soát văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan.
Theo Phó Thủ tướng, mục tiêu không phải là cắt bao nhiêu. Quy định là cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh nhưng sau khi rà soát, thấy không thể cắt giảm tiếp, các bộ, ngành cũng phải mạnh dạn tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những lĩnh vực cần phải giữ. Mục đích cuối cùng là lợi ích quốc gia, dân tộc và quảng đại quần chúng nhân dân cũng như lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chấm dứt việc ban hành danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí và phương pháp kiểm tra, trừ mặt hàng mang tính đặc thù; đặc biệt lưu ý tổ chức tốt khâu kiểm tra chuyên ngành, nhất là các lĩnh vực trọng điểm, địa bàn trọng điểm, không để doanh nghiệp than phiền, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành, không để kiểm tra chuyên ngành làm ảnh hưởng đến thương mại, lưu thông hàng hóa.