Bên lề kỳ họp thứ 2, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và khẳng định kết luận đã thể hiện tính nghiêm minh, không có vùng cấm trong xử lý kỷ luật Đảng và trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nhận định: Quyết định kỷ luật Đảng đối với sai phạm của cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tổ chức Đảng. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện một cách công minh, đúng quy định của pháp luật, Điều lệ Đảng, nhằm xây dựng bộ máy cán bộ lãnh đạo cũng như cán bộ công chức, đảng viên trong sạch, vững mạnh.
Phóng viên phỏng vấn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Dương Trung Quốc bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng, một đảng viên dù ở cương vị cao nhất khi có thành tích sẽ được khen thưởng và khi có những vi phạm, phải chịu sự kỷ luật của Đảng - đại biểu Trần Văn Mão nêu rõ.
Nhấn mạnh quan điểm: Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thể hiện nguyên lý quan trọng "mọi người đều bình đẳng trước pháp luật", đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) dẫn chứng: Từ xa xưa, người có chức vụ càng cao thì phải chịu trách nhiệm càng lớn. Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có tác dụng răn đe, giúp người dân tin rằng lời nói phải đi đôi với việc làm, nhất là đối với cơ quan lãnh đạo.
Hoan nghênh kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhiều đại biểu cho rằng vụ việc này đã được kiểm tra làm rõ thì cần phải tiếp tục xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu rõ: Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật về Đảng, ngoài ra còn có kỷ luật về chính quyền, trong kỷ luật chính quyền cũng có những hình thức kỷ luật khác nhau. Pháp luật của Nhà nước không loại trừ một ai. Kỷ luật về chính quyền còn vấn đề là vi phạm đó có liên quan đến kinh tế hay không và liên quan đến mức độ thế nào, lĩnh vực gì, thiệt hại ra sao.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đề nghị cần xử lý nghiêm vụ việc để đảm bảo tính răn đe, góp phần hiệu quả để cuộc đấu tranh chống tham nhũng được làm tới nơi tới chốn. Bất kể là ai, cán bộ đương chức hay về hưu, không nên có ngoại lệ nào. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực cụ thể, rõ ràng hơn, tránh sự lạm dụng quyền hạn, chức vụ để làm việc sai trái.