Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 43/2022/QH15

Sau một ngày rưỡi làm việc (ngày 1/6 đến sáng 2/6) tích cực, khẩn trương, hiệu quả, các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đã hoàn thành chương trình đề ra.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu ý kiến, sáng 2/6. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Trong phiên thảo luận đã có 74 ý kiến phát biểu và 5 đại biểu tranh luận. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội toàn diện, phong phú, thẳng thắn, sâu sắc, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu đối với nhiều vấn đề quan trọng của đất nước và những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm.

Tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng các Bộ: Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, làm rõ các vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nêu lên tại phiên thảo luận.

Tạo điều kiện để kinh tế phục hồi, phát triển

Thảo luận về nội dung kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã có quyết sách đúng đắn, kịp thời, tạo điều kiện để kinh tế phục hồi, phát triển; sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi tốt, hoạt động bán lẻ tiếp tục khởi sắc, trở về gần mức trước dịch bệnh; xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng; cán cân thương mại thặng dư; thu ngân sách tăng trưởng tích cực; lãi suất huy động và tỷ giá tăng, song vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động doanh nghiệp, du lịch phục hồi tích cực. Hoạt động giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội, lao động, việc làm, y tế, thể thao, du lịch, giao thông vận tải… cơ bản đã trở lại bình thường; đời sống nhân dân được cải thiện, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân và ổn định xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, các ý kiến đã thẳng thắn đề nghị cần xác định rõ những thách thức, rủi ro do dịch bệnh và địa chính trị bất định từ bên ngoài và những tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục như: Giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch; một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2 năm 2022 - 2023 triển khai còn chậm; nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Lạm phát tiếp tục tăng cao; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới suy giảm đáng kể; thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững; thu từ cổ phần hóa đạt thấp; phân bổ, giao dự toán chi chậm. Những hạn chế trong giám sát, quản lý thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và vấn đề việc làm, trẻ em.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tin tưởng Chính phủ sẽ thực hiện được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận: “Nếu kiểm soát tốt lạm phát, chấp nhận các khoản chi hỗ trợ, các khoản chi để giảm thuế nhằm kéo giá xăng dầu xuống; cộng thêm các công cụ kiểm soát giá, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường, chống các hành vi “té nước theo mưa” sẽ giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát. Tăng trưởng kinh tế hoàn toàn có khả năng thực hiện được mục tiêu đề ra từ 6 - 6,5%”, đại biểu khẳng định.

Cùng quan điểm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) bày tỏ niềm tin Chính phủ sẽ thực hiện được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Các số liệu Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 5/2022 cho thấy, nền kinh tế có chuyển biến tích cực. Tăng trưởng cao, lạm phát duy trì ở mức kiểm soát, xuất khẩu tiếp tục duy trì ở mức 2 con số. Các cân đối khác của nền kinh tế vẫn được đảm bảo. “Nếu tiếp tục đà như quý I, năm nay chúng ta có hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%, tăng trưởng đạt 6 - 6,5%”, đại biểu nhấn mạnh.

Điều chỉnh linh hoạt, kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa

Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhất là những tháng cuối năm, các đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo vệ vững chắc thành quả phòng, chống dịch COVID-19 đã đạt được, bảo đảm duy trì bền vững nền kinh tế mở trong trạng thái bình thường; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quản lý, điều hành, theo dõi chặt chẽ diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp bình ổn giá phù hợp; điều chỉnh linh hoạt, kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để điều hành cung tiền, lãi suất, điều tiết giá cả, tập trung triển khai có hiệu quả và kịp thời Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, đặc biệt chú ý tới chất lượng các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án công trình trọng điểm quốc gia; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro; đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước; kiểm soát lạm phát, nợ xấu; quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư; bảo đảm cân đối cung - cầu bình ổn giá; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát...

Báo cáo với Quốc hội về tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đây là nội dung đã được Bộ Chính trị có kết luận. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ sau 19 ngày khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng nhìn nhận, việc sớm ban hành chương trình này là do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm, tổ chức nhiều phiên làm việc với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học. Từ đó, Chương trình nhận được sự đồng thuận cao. Theo đó, Chương trình đã đề ra 5 nhóm giải pháp với các nhiệm vụ hết sức cụ thể, phân bổ nguồn lực chi tiết, đề ra nhiệm vụ ban hành 14 văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện. Xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm và quyết tâm chỉ đạo thực hiện, thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, đôn đốc tổ chức thực hiện.

Phó Thủ tướng thông tin, đến thời điểm hiện nay đã cơ bản hoàn thành các chính sách và giải ngân được 22 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là một tiền đề rất quan trọng để tin tưởng rằng gói hỗ trợ này sẽ được thực hiện tốt trong thời gian tới- Phó Thủ tướng cho biết.

Về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội đồng tình với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến 31.12.2023. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tích cực, hiệu quả hơn nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Nghị quyết; khẩn trương nghiên cứu xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu, giải trình, cùng với ý kiến góp ý trực tiếp của đại biểu Quốc hội vào dự thảo Nghị quyết kỳ họp, sẽ hoàn chỉnh các nội dung, kèm theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và trình Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 16/6" Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin.

Điều hành thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặc biệt nhấn mạnh việc khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết về kế hoạch 5 năm của Quốc hội...; đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch, đặc biệt chú ý tới chất lượng các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước. Kiểm soát lạm phát, nợ xấu; quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư. Bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Theo dõi phiên làm việc chiều 2/6 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đồng tình với các đại biểu Quốc hội về việc cần triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cử tri Đậu Thị Minh, giáo viên đã nghỉ hưu ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum kiến nghị một số vấn đề đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN