Đồng thời, tăng cường kiểm tra các khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất để sẵn sàng thực hiện việc di dời dân đến nơi an toàn; khẩn trương kiểm tra an toàn đê điều, hồ đập, xử lý các sự cố hư hỏng đê điều, hồ đập, giao thông, điện... để sẵn sàng ứng phó với các đợt mưa lũ tiếp theo.
Trao các nhu yếu phẩm cần thiết như: Mỳ tôm, nước lọc, lương khô… tới người dân vùng lũ Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN |
"Tổ chức sát trùng, vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh theo phương châm “nước rút đến đâu vệ sinh đến đó”; hỗ trợ kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu tại các khu vực thiệt hại nặng nề do thiên tai, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống", ông Nguyễn Đức Quang nhấn mạnh. Bên cạnh đó, huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa, hoa màu, thủy sản; tiêu úng cho các diện tích lúa, hoa màu bị ngập và thống kê thiệt hại để hỗ trợ kịp thời giống cây trồng, vật nuôi.
Tính đến 16 giờ ngày 16/10, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng đã thông báo, kiểm đếm; hướng dẫn 75.208 tàu, thuyền, với 307.265 lao động về diễn biến, hướng di chuyển của bão số 11 để chủ động phòng tránh. Tuy nhiên, mưa lũ đã làm 75 người chết, 28 người mất tích và 38 người bị thương, 249 nhà bị sập đổ hư hỏng, 2.604 nhà di dời khẩn cấp; 10.362 con gia súc và 301.449 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các tỉnh Bắc Bộ có 2.984 hồ (286 hồ chứa lớn, 2.698 hồ chứa nhỏ). Trong số 162 hồ cập nhật thông tin, có 36 hồ xả qua tràn, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung dao động nhẹ, các hồ vận hành bình thường.
Các hồ lớn mực nước cơ bản đã đạt hoặc xấp xỉ mức nước dâng bình thường; các hồ có tràn tự do tại Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên đang tràn; một số hồ có cửa van đang vận hành xả lũ gồm hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) xả 100 m3/s, hồ Yên Lập (Quảng Ninh) xả 25 m3/s. Các hồ chứa nhỏ mực nước cơ bản đạt hoặc xấp xỉ mức nước dâng bình thường.