Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ở thành phố Cà Mau bị ngập nước kéo dài, dẫn đến hư hỏng cục bộ nhiều vị trí, gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân. Tại các tuyến đường lớn thành phố Cà Mau như: Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Phan Ngọc Hiển, Hùng Vương, Nguyễn Đình Chiểu..., đường bị ngập sâu khi mưa to hoặc thủy triều dâng cao. Trong khi chờ đợi nước rút để tiến hành duy tu, sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng, cơ quan chức năng đã bố trí cắm biển cảnh báo, báo hiệu vị trí đường bị ngập sâu, nguy hiểm để phòng, tránh tai nạn giao thông.
Cùng đó, các địa phương tích cực triển khai đắp đập, khoanh ô thủy lợi để bơm nước chống ngập úng, bảo vệ sản xuất; đồng thời, vận động các hộ dân huy động nhân lực, máy đập gặt liên hợp, máy suốt lúa để thu hoạch diện tích lúa bị ngập úng, ngã đổ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương vận động thương lái thu mua hết lúa của nông dân ngay sau khi thu hoạch. Qua rà soát ban đầu, huyện Trần Văn Thời có khoảng 14.000 ha lúa hè thu chưa thu hoạch bị ngập úng và ngã đổ; trong đó xã Khánh Bình Tây Bắc có đến 2.270 ha lúa bị thiệt hại, trong đó 1.700 ha lúa thiệt hại nặng; chưa kể nhiều diện tích rau màu, nuôi thủy sản bị thiệt hại do ngập úng.
Hiện nay, triều cường trên địa bàn tỉnh đang dâng cao kéo dài, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, địa phương đề cao sự chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai.
Để chủ động ứng phó với thiên tai, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai.
Theo đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, cắm biển cảnh báo các vị trí ngập sâu, đoạn đường hỏng, bị ngập, vị trí cống bị hư hỏng, đặc biệt tại khu vực nội ô thành phố Cà Mau, để hạn chế tai nạn; đồng thời khẩn trương rà soát, đánh giá thiệt hại và có giải pháp để khắc phục kịp thời các vị trí đường hư hỏng, đảm bảo việc đi lại của người dân thuận lợi, an toàn.
Các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức cảnh giác trước diễn biến thiên tai, thời tiết; cùng chia sẻ khó khăn, cộng đồng trách nhiệm với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trước mắt, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tích cực thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra tại nơi sinh sống, làm việc và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hộ gia đình. Biện pháp cụ thể được khuyến cáo như gia cố bờ bao, bơm tát nước, thu hoạch lúa, quản lý, bảo vệ hàng hóa tránh để thiệt hại do ngập úng...; khơi thông cống, rãnh thoát nước thu gom rác thải, vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, sản xuất, kinh doanh ngay sau khi hết ngập úng để khôi phục các hoạt động giao thông đi lại, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian sớm nhất.