Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là nội dung điểm g, Điều 10 quy định về “đất nông nghiệp khác” (đất không trồng trọt, canh tác trực tiếp) gồm: Đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất nông nghiệp, đất xây dựng kho, nhà để chứa nông sản, máy móc, công cụ gắn liền với khu sản xuất nông nghiệp.
Nhiều người dân kiến nghị, quy định về loại đất này trong Dự thảo Luật chưa hợp lý vì tuy cùng thuộc nhóm đất nông nghiệp nhưng nếu nông dân muốn chuyển đổi mục đích từ đất canh tác sang đất nông nghiệp khác vẫn phải đăng ký biến động theo trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai, gây khó khăn cho nông dân.
Là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Phước, hội viên Hội Nông dân phường Phú Hữu (thành phố Thủ Đức) cho biết, tuy đất xây dựng nhà chế biến, nhà kho và các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp không phải là đất dùng để trực tiếp canh tác, nuôi trồng nhưng vẫn cần được xem như đất canh tác vì để phát triển sản xuất nông nghiệp không thể thiếu những công trình phụ trợ này. Việc quy định người làm nông phải thực hiện thêm một bước đăng ký thủ tục để chuyển mục đích sử dụng đất là quá rườm rà, phức tạp. Thay vào đó, ông Nguyễn Hữu Phước đề nghị, dự thảo Luật xem xét sửa đổi quy định về thủ tục chuyển đất canh tác sang đất nông nghiệp khác trở nên đơn giản hơn, tạo điều kiện thuận lợi khi người dân cần xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp.
Đồng quan điểm, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Văn Thanh cho rằng, quy định về “đất nông nghiệp khác” trong dự thảo Luật hiện nay vẫn còn thiếu một số loại hình đất. Đơn cử có thể kể đến đất dùng để xây nhà nuôi yến. Theo ông Đoàn Văn Thanh, hiện nay, nghề nuôi yến tại Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là nghề tiềm năng, thu nguồn lợi kinh tế cao, những năm qua, số hộ nuôi yến trên địa bàn tăng nhanh. Tuy nhiên, nông dân có đất nông nghiệp muốn xây dựng nhà yến phải chuyển đích sang đất ở và xin chuyển mục đích sử dụng rất tốn kém, trong khi nuôi yến thuộc ngành chăn nuôi. Do vậy, ông Đoàn Văn Thanh đề xuất dự thảo Luật cần nghiên cứu, bổ sung thêm những nhóm ngành mới phát triển vào quy định về đất nông nghiệp khác.
Thạc sĩ Võ Văn Phúc đánh giá, dự thảo Luật Đất đai đã có nhiều quy định mới có tính đột phá trong việc thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn và sẽ tác động đến cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Võ Văn Phúc phân tích, tại Việt Nam, hiện nay có 90% đất sản xuất nông nghiệp do hộ gia đình quản lý sử dụng với phương thức sản xuất phân tán, hiệu quả thấp. Các tổ chức kinh tế chỉ quản lý sử dụng 10% đất sản xuất nông nghiệp, quy mô sản xuất nhỏ. Quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn chưa đồng bộ với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ.
Do đó, theo Thạc sĩ Võ Văn Phúc, với những quy định mới về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Ngoài ra, sẽ tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tiếp cận đất đai thuận lợi; khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà nước ta có lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, đối với việc thu hồi đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, Thạc sĩ Võ Văn Phúc cho rằng, dự thảo Luật chưa định nghĩa rõ khái niệm “thị trường” đất để xác định giá đất bồi thường khi có thu hồi khiến việc bồi thường đất thu hồi có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân. Khi đất nông nghiệp bị thu hồi giá đất được tính thấp hơn nhiều so với giá đất thương mại và đất ở. Số tiền bồi thường không đủ để nông dân tái thiết sản xuất, kinh doanh và tái định cư trong khi giá đất sau thu hồi đưa vào kinh doanh lại tăng gấp nhiều lần. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc xuất hiện nhiều trường hợp nông dân đòi quyền lợi và kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng. Thạc sĩ Võ Văn Phúc đề nghị, dự thảo cần làm rõ thế nào là “thị trường” đất và đâu là căn cứ xác định “giá phổ biến trên thị trường” nhằm điều chỉnh giá đất, không để người nông dân bị thiệt thòi.
Bà Nguyễn Thị Mộng Trinh, Trưởng phòng Kinh doanh Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai (huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong Nghị quyết 20-NQ/TW đã quy định rõ “phải có chính sách cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp cận đất đai, phải có quỹ đất để hợp tác xã tiếp cận và phải có chính sách phù hợp để hợp tác xã tiếp cận đất đai”. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới chỉ tập trung vào những nội dung liên quan gián tiếp đến hợp tác xã như: Quy định về đất đai liên quan đến nông dân nhưng lại không có điều khoản cụ thể trực tiếp nào liên quan đến vấn đề đất đai của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Trên thực tế, bà Nguyễn Thị Mộng Trinh cho biết, các hợp tác xã tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chưa có quỹ đất là tài sản của hợp tác xã hay quỹ đất công ích do Nhà nước cho thuê để bố trí xây dựng các hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh. Hầu hết diện tích đất hợp tác xã sử dụng hiện nay là đất thuê lại, dẫn đến chi phí phát sinh cho các hoạt động cao và không ổn định. Bà Nguyễn Thị Mộng Trinh đề xuất dự thảo Luật cân nhắc bổ sung thêm quy định hỗ trợ về quỹ đất cho khu vực hợp tác xã, tháo gỡ tồn tại trong nhiều năm qua và thúc đẩy khu vực này phát triển.
Cùng quan điểm, ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Ngọc (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, mặc dù hiện nay ngành Nông nghiệp có chính sách phát triển kinh tế tập thể và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao song việc xây dựng các công trình như nhà kính, nhà lồng và công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp vẫn rất khó khăn. Về đất đai, hiện hợp tác xã phải thuê đất của tư nhân để sản xuất chứ thành phố không có quỹ đất nông nghiệp cho thuê, đồng nghĩa với việc hợp tác xã trả tiền thuê đất cao và thường chỉ thuê được trong thời gian ngắn từ 3 - 5 năm, rất khó để đầu tư cơ sở sản xuất lâu dài.
Từ thực tế hoạt động của hợp tác xã, ông Lâm Ngọc Tuấn cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế tập thể cần tháo gỡ ngay là chính sách đất đai và tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất nông nghiệp xây dựng công trình hỗ trợ trên đất nông nghiệp. Thực tế hiện nay, hầu hết hợp tác xã, tổ hợp tác đều thuê đất tư nhân, rất khó để thuê dài hạn, trong khi phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần đầu tư vốn lớn và thời gian thu hồi vốn khá lâu.
Do đó, ông Lâm Ngọc Tuấn mong muốn, dự thảo Luật có quy định ưu tiên cho hợp tác xã thuê quỹ đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, thành phố thời hạn từ 20 - 50 năm để yên tâm đầu tư phát triển lâu dài. Các hợp tác xã sản xuất cần các công trình phụ trợ như nhà sơ chế, nhà kho chứa vật tư và bảo quản sản phẩm… Vì vậy, đề xuất dự thảo Luật nới lỏng quy định về xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp.