Đây là sự kiện quốc tế thường niên quan trọng được Việt Nam hưởng ứng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động về chống suy thoái đất, sa mạc hóa, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Chủ đề Ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2022 là: “Chung tay vượt qua hạn hán".
Thoái hóa đất do tác động của con người và thiên nhiên
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hạn hán là một trong những thảm họa thiên nhiên có sức tàn phá nặng nề nhất, gây thiệt hại đối với cuộc sống, phát sinh từ các tác động, chẳng hạn như mất mùa trên diện rộng, cháy rừng và suy giảm nguồn nước. Hạn hán ngày càng trầm trọng hơn do suy thoái đất và biến đổi khí hậu, tiếp tục gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng. Đến năm 2050, hạn hán có thể ảnh hưởng tới khoảng 3/4 dân số thế giới. Đây là một vấn đề cấp bách và mang tính toàn cầu.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, cả nước hiện có 11.838 nghìn ha đất bị thoái hóa, chiếm 35,74% diện tích tự nhiên của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình quản lý, khai thác, sử dụng đất chưa hợp lý, tập quán canh tác nương rẫy du canh, trồng độc canh hay chuyên canh, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, quản lý, khai thác tài nguyên rừng chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, thoái hóa đất cũng có nguyên nhân do ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu, ảnh hưởng của địa hình và chế độ thủy, hải văn. Thoái hóa đất gây nên suy giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp, năng suất và sản lượng cây trồng, giảm diện tích rừng tự nhiên cùng các loại động vật hoang dã; tăng diện tích đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, đất trống, đồi núi trọc...
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn trên một số lưu vực sông của nước ta ngày càng gia tăng và lấn sâu vào đất liền gây nhiều khó khăn cho việc khai thác, sử dụng nguồn nước vốn đã hạn chế trong mùa cạn nay sẽ càng khốc liệt hơn do xâm nhập mặn.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam do các nhà khoa học Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xây dựng, tới cuối thế kỷ 21, vùng chịu tác động mạnh nhất về xâm nhập mặn là các sông thuộc Nam Bộ. Đối với các sông thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ gồm sông Hồng - Thái Bình, sông ven biển Quảng Ninh và các sông nhỏ khác, khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất trên các sông đều tăng so với thời kỳ cơ sở. Tại Bắc Trung Bộ, trong điều kiện nước biển dâng thêm khoảng 22-35 cm vào giữa thế kỷ (năm 2050) thì mức độ nhiễm mặn tại các vùng cửa sông của hai lưu vực sông Cả và sông Nhật Lệ đều tăng thêm khoảng 2 phần nghìn so với hiện tại. Tại Nam Trung Bộ, khoảng cách xâm nhập mặn lớn nhất trên các sông thuộc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, có khả năng giảm ở một số sông phía Bắc (Thanh Quýt, Vĩnh Điện, Bà Rèn, Thu Bồn) và tăng ở các sông phía Nam (La Thọ, Quá Giáng, Vu Gia, Tam Kỳ, Trường Giang).
Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2021-2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn.
Tại tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính qua địa bàn tỉnh trong mùa khô năm 2022 ở mức cao, độ mặn 4 phần nghìn đã xâm nhập cách các cửa sông Mê Công hơn 45-61 km. Nhằm chủ động ứng phó hạn mặn, tỉnh Bến Tre đã triển khai sớm các biện pháp phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn, phối hợp vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân sinh hoạt, sản xuất. Bên cạnh đó, việc tổ chức thi công các cống đập ngăn mặn đã được chính quyền tỉnh Bến Tre triển khai khẩn cấp, nhất là các cống liên vùng để phục vụ cung cấp nước cho cả khu vực, đảm bảo tỉnh sẽ không thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất.
Tình hình hạn mặn năm 2022 trên sông Tiền ở tỉnh Tiền Giang đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh này đã cho đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành. Hiện công trình đã hoàn thành, đáp ứng được việc ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ nước sản xuất cho khoảng 100.000 ha khu vực phía Tây và khu dự án kè sông Bảo Định.
Bạc Liêu là tỉnh nằm ở cuối nguồn nước ngọt từ sông Mê Công, lại giáp với biển nên nguy cơ thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn luôn ở mức cao. Để chủ động ứng phó với hạn mặn, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022. Tỉnh Bạc Liêu dự kiến sẽ chi hơn 18,6 tỷ đồng cho giải pháp công trình để đắp 89 đập vụ lúa - tôm, 448 đập vụ Đông Xuân, hỗ trợ bơm tát nước, khoan bổ sung và kéo dài đường ống nước sạch… nhằm ứng phó với hạn mặn.
Hành động mạnh mẽ
Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc được thành lập từ năm 1994, hiện có 197 thành viên. Việt Nam gia nhập Công ước này từ năm 1998. Mục tiêu của Công ước là chống sa mạc hóa, suy thoái đất và giảm thiểu tác hại của hạn hán ở các vùng bị sa mạc hóa và suy thoái đất nghiêm trọng; áp dụng các biện pháp có hiệu quả và sự trợ giúp quốc tế để giúp các nước bị ảnh hưởng bởi thoái hóa, sa mạc và hạn hán phát triển bền vững.
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tư duy đi trước từ rất sớm, với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường thể hiện tầm nhìn xa cùng với cam kết và hành động mạnh mẽ, Việt Nam được xem là điểm sáng khi thế giới nói về chủ đề phòng, chống sa mạc hóa.
Để thực hiện trách nhiệm thành viên và yêu cầu của Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020; đề án xác định mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất quốc gia giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.
Thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Công ước, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 với nhiều nội dung.
Chương trình hành động đã đạt được những kết quả chính gồm: hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ tài nguyên đất, tài nguyên rừng và tài nguyên nước để phòng, chống sa mạc hóa; nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống sa mạc hóa; điều tra, đánh giá thực trạng sa mạc hóa và nghiên cứu xác định nguyên nhân chủ yếu gây sa mạc hóa, đề xuất giải pháp phòng, chống sa mạc hóa tại Việt Nam; tổ chức các hoạt động kinh tế, chuyển giao công nghệ bảo vệ, quản lý và phát triển tài nguyên đất, tài nguyên rừng và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng đất liên quan sa mạc hóa; hợp tác quốc tế để thực hiện Công ước chống sa mạc hóa.
Bên cạnh đó, Việt Nam thực hiện đầy đủ các trách nhiệm thành viên và hưởng ứng kêu gọi đề xuất của Ban thư ký như trách nhiệm báo cáo, tham gia đầy đủ các phiên họp Công ước, thực hiện các sáng kiến do Tổng Thư ký Công ước phát động.
Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp xây dựng Kế hoạch Khô hạn quốc gia và điều chỉnh, cập nhật Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030.