Khắc phục sự xuống cấp "Con đường gốm sứ" - Phải xử lý từ gốc

Không phải bây giờ người ta mới nhắc đến sự xuống cấp của Con đường gốm sứ ven sông Hồng, một công trình nghệ thuật được coi là ấn tượng dịp Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.

Đội sinh viên tình nguyện thu gom rác thải dọc “Con đường gốm sứ ven Sông Hồng”. Ảnh: Đình Trân - TTXVN

Ngay sau khi hoàn thiện được một hai năm, con đường gốm sứ đã có hiện tượng nứt, bong tróc và mất vệ sinh. Gắn vá vết nứt, mảnh gốm bong, tổng vệ sinh, là cách người ta duy tu công trình những năm qua. Nhưng đó mới là giải pháp xử lý tình huống trước mắt và hiện đang rất cần cách xử lý triệt để từ gốc để con đường được bền đẹp.

Khắc phục theo kiểu chạy theo


Bắt đầu từ đầu đường Trần Khánh Dư đến hết Nghi Tàm với chiều dài khoảng 4 km, không khó để bắt gặp những vết nứt, những mảng gốm bong tróc. Có những mảng bong rộng tới nửa mét vuông, hay vết nứt vài tới 2 – 3 mét. Nhiều chỗ phủ bụi nhem nhuốc, thậm chí có nơi người dân vệ sinh bừa bãi ngay dưới chân tường. Tình trạng này xảy ra nhiều tại khu vực từ đầu đường Trần Khánh Dư đến cầu Long Biên và đã ảnh hưởng không nhỏ tới vẻ đẹp của công trình con đường gốm sứ.


Với trọng trách được giao, trước đó Ban quản lý chỉnh đang đô thị thuộc Sở Xây dựng Hà Nội khắc phục bằng cách vá các mảnh gốm bong rơi, các vết nứt. Nhưng sự chắp vá đó cũng không trả lại được sự nguyên vẹn như ban đầu. Công tác vệ sinh được thực hiện với sự tham gia của cả Ban quản lý chỉnh trang đô thị lẫn chính quyền các phường con đường gốm sứ chạy qua, như tẩy rửa bụi bặm, rửa những chỗ người dân vô ý vệ sinh bừa bãi... Thỉnh thoảng, lực lượng thanh niên tình nguyện thành phố Hà Nội cũng được huy động tham gia vệ sinh công trình.


Ba phường Trúc Bạch – Nguyễn Trung Trực – Phúc Xá (quận Ba Đình) cũng xây dựng kế hoạch phối hợp lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị khu vực đường Yên Phụ tiếp giáp Con đường gốm sứ ven sông Hồng trên địa bàn ba phường, trong đó quan tâm đến Con đường gốm sứ. Ông Nguyễn Dương Hải, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá cho biết: Mỗi phường chịu trách nhiệm tuần tra, ứng trực trật tự đô thị, vệ sinh môi trường khu vực Con đường gốm sứ hai ngày mỗi tuần. Riêng phường Phúc Xá cũng huy động lực lượng thanh niên bị bóc quảng cáo rao vặt, dọn vệ sinh môi trường tại Con đường gốm sứ.


Nhưng tất cả vẫn khiến người ta nghĩ rằng, các cơ quan liên quan mới khắc phục theo kiểu chạy theo. Chính vì thế, công sức của các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương bỏ ra nhiều năm qua nhưng Con đường gốm sứ vẫn tiếp tục xuống cấp.


Giải quyết tận gốc căn nguyên


Từ cuối năm 2014, công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng được thành phố giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) quản lý. Cơ quan này vừa phải giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa đang tìm cách giải quyết theo hướng xử lý triệt để.


Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sự xuống cấp của con đường gốm sứ do có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thời tiết ảnh hưởng đến sự co giãn vật liệu xây dựng làm bong tróc các mảnh gốm. Nhưng quan trọng hơn, do trong quá trình thi công, đơn vị đảm nhiệm xây dựng có thể chưa tính toán hết yếu tố kỹ thuật, thiết kế chưa tốt. Bức tường gốm trước kia là cơ đê làm bằng bê tông, khi gắn các mảnh gốm vào thì độ kết dính không cao nên đã bị biến dạng theo thời gian. Một mặt, con đường gốm này nằm cạnh đường giao thông có lưu lượng xe cộ qua lại lớn, bị rung lắc nhiều làm ảnh hưởng tới kết cấu. Đó là chưa kể đến sự vô ý thức của một số người dân đã trực tiếp tác động đến Con đường gốm sứ làm ảnh hưởng không nhỏ đến công trình này.


Ngay từ khi nhận bàn giao từ Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức hội nghị khoa học, trao đổi về nguyên nhân xuống cấp của công trình và thống nhất giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong năm 2015, Sở thực hiện gắn, vá các vị trí bong tróc và nghiên cứu thực hiện thí điểm để xác định phương án khắc phục những nguyên nhân xuống cấp. “Để giải quyết triệt để, rất cần dự án riêng về đánh giá nguyên nhân, biện pháp xử lý căn cơ sự xuống cấp của con đường gốm sứ” – Ông Trương Minh Tiến chia sẻ.


Năm 2016, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm một đoạn dài 1,01 km từ điểm đối diện số 1053 Hồng Hà đến Chương Độ để khắc phục triệt để tình trạng xé nứt ngang do tách lớp giữa bê tông cơ đê và phần xây thêm bằng gạch chỉ. Dự kiến công trình triển khai vào quý II năm 2016. Kết quả thực hiện làm cơ sở để xây dựng dự án toàn tuyến, cố gắng khắc phục nguyên nhân xuống cấp. Công việc này chắc chắn sẽ đặt ra nhiều thách thức cho Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.


Con đường gốm sứ được coi là công trình văn hóa, nghệ thuật lớn của Thủ đô không thể để tình trạng nhếch nhác kéo dài. Vì vậy, việc khắc phục tận gốc là giải pháp không thể thay đổi. Cũng do Con đường gốm sứ chạy qua ba quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, do vậy, bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thì trách nhiệm của chính quyền các địa phương là không nhỏ. Đặc biệt, vai trò của cộng đồng trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường khu vực Con đường gốm sứ cũng vô cùng quan trọng.

Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Buồn thay 'Con đường gốm sứ'
Buồn thay 'Con đường gốm sứ'

Chỉ sau 4 năm khánh thành, công trình "Con đường gốm sứ ven sông Hồng" đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN