Những ngày qua, mưa đá liên tiếp xuất hiện, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc gồm: Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và Tuyên Quang, gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Theo thống kê, đến thời điểm này, mưa đá đã làm 1 người chết, 43 người bị thương, hàng chục nghìn nhà bị tốc mái, hư hỏng, hàng nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hại...
Mưa đá gây thiệt hại nặng cho các hộ dân huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Ảnh: Lục văn toán - TTXVN |
Trước tình hình đó, ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện hỏa tốc số 474/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục thiệt hại do lốc, mưa đá tại tỉnh Lào Cai. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các hộ gia đình ở Lào Cai có người bị thương, bị thiệt hại về nhà cửa.
Để khắc phục hậu quả thiên tai, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tập trung chỉ đạo cứu chữa người bị thương, hỗ trợ cứu đói cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng, thiếu đói, nhất là những gia đình thuộc đối tượng chính sách; huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn thể tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa lại nhà cửa, khôi phục sản xuất; tăng cường các biện pháp điều tiết nguồn hàng, quản lý giá cả thị trường, nhất là giá lương thực, thực phẩm, giá các vật tư, vật liệu thiết yếu cho sửa chữa nhà cửa, không để khan hiếm hàng, lợi dụng thiên tai ép giá.
* Trận mưa đá xảy ra sáng 31/3 tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã làm thiệt hại nhiều tài sản và hoa màu của đồng bào dân tộc thiểu số. Trận mưa đá kéo dài từ 15 - 20 phút đã gây thiệt hại nặng cho các xã Lũng Pù, Pải Lủng và thị trấn Mèo Vạc. Do bị bất ngờ, nhiều hộ dân không kịp phòng tránh nên mưa đá đã làm gần 100 ngôi nhà bị tốc mái, trên 700 ha ngô và rau màu bị thiệt hại không có khả năng phục hồi, nhiều công trình công cộng bị hư hỏng.
Ngay sau khi mưa đá xảy ra, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc đã khẩn trương chỉ đạo công tác ứng phó, cứu hộ cứu hạn và thống kê thiệt hại. Với tinh thần giúp dân sớm ổn định cuộc sống, các lực lượng vũ trang trên địa bàn đã giúp các hộ gia đình bà con dân tộc thiểu số bị thiệt hại lợp lại mái nhà, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại Lào Cai, 5/9 huyện, thành phố bị mưa đá và lốc xoáy tàn phá dữ dội. Hàng nghìn hộ dân hiện đang trong cảnh “màn trời chiếu đất”, ước tổng thiệt hại lên tới hơn 270 tỷ đồng. Trong ngày 27/3 và 29/3, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa đá kèm theo lốc xoáy ở 4 huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và Bảo Yên đã làm một người chết tại huyện Bắc Hà và 37 người bị thương. Bên cạnh đó, có 7 nhà bị sập đổ, cháy do chập điện và nhà của 11.878 hộ bị hư hỏng, trong đó 10.111 hộ bị hư hỏng nặng.
Đợt lốc, mưa đá chiều và đêm 26/3, đã khiến tỉnh Cao Bằng bị thiệt hại khá nặng, nhất là ở 27 xã thuộc các huyện: Hạ Lang, Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình, Quảng Uyên. Thiên tai đã làm 2 người bị thương, 1.162 nhà bị tốc mái, vỡ ngói; ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của 1.354 ha hoa màu, gần 300 ha thuốc lá...
Tại các huyện Pác Nặm, Na Rì, Ngân Sơn, Chợ Đồn và thị xã Bắc Kạn (Bắc Kạn) cũng xảy ra mưa đá với mật độ dày. Huyện Na Rì là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất với 58 ngôi nhà bị tốc mái, huyện Chợ Đồn có 20 ngôi nhà bị tốc mái, huyện Ngân Sơn có 8 ngôi nhà bị tốc mái và 30 ha thuốc lá tại xã Hương Nê bị thiệt hại nặng. Rất may không có thiệt hại về người.
Rạng sáng ngày 29/3, tại tỉnh Tuyên Quang xuất hiện gió to kèm theo mưa đá làm nhiều nhà dân bị hư hỏng. Chỉ tính riêng tại xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, mưa đá đã làm hơn 2.000 tấm lợp fibro xi măng của hơn 200 hộ dân bị vỡ, thủng; 13 bộ phát điện năng lượng mặt trời bị hỏng; hàng chục ha lúa, hoa màu bị dập nát, rất may không có người dân nào bị thương.
* Chiều 30/3, tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An xảy ra một trận mưa đá kéo dài khoảng 45 phút gây hư hại một số nhà cửa, hoa màu, công trình công cộng, đồng thời gây mất điện trên diện rộng ở một số xã dọc quốc lộ 7 và thị trấn Hòa Bình. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện, đã có 82 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng nhẹ; rất may không gây thiệt hại về người.
Tối 30/3, trên địa bàn 2 huyện miền núi cao Quan Sơn và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện trận mưa đá kèm theo giông lốc kéo dài trong khoảng từ 10-17 phút. Những viên đá lớn bằng ngón tay, ngón chân, có viên to bằng quả trứng gà, trứng vịt đã trút xuống khu vực thị trấn Quan Hóa và các xã phụ cận. Mưa đá kèm giông lốc giật mạnh khiến người dân hết sức lo ngại, nhất là trong thời điểm diện tích lúa và hoa màu đang trong thời kỳ phát triển.
TTN