Theo đó, thủ trưởng các đơn vị, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại đơn vị, địa phương; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thuộc thẩm quyền của đơn vị, địa phương.
Thủ trưởng các đơn vị, địa phương chấn chỉnh, quán triệt lại trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chỉ đạo của cấp trên, nhất là trách nhiệm hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, công việc của tổ chức, người dân, doanh nghiệp. Thủ trưởng các đơn vị, địa phương xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, sợ trách nhiệm, không dám làm dẫn đến tình trạng hồ sơ trễ hạn; kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề thuộc công việc, thẩm quyền gây hậu quả, thủ trưởng các đơn vị, địa phương phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.
Thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Qua đó, việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công đã có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, qua kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính và thanh tra trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện dịch vụ hành chính công năm 2023 cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng trả hồ sơ, giải quyết hồ sơ trễ hạn dẫn đến người dân, doanh nghiệp phản ánh đến Tổng đài 1022, Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trách nhiệm công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện giải quyết hồ sơ còn chưa cao, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trả hồ sơ trễ hạn. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan ngành dọc, giữa các cán bộ, công chức, viên chức trong nội bộ cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả dẫn đến trễ hạn hồ sơ.
Việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống phần mềm một cửa của tỉnh với Cổng dịch vụ công Quốc gia, giữa các phần mềm của các đơn vị thuộc các bộ, ngành Trung ương, giữa các phần mềm trong nội bộ tỉnh chưa hoàn chỉnh, vẫn còn trình trạng nhập dữ liệu trên nhiều phần mềm. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác giải quyết hồ sơ, theo dõi, đánh giá trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm công vụ, cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính tại một số đơn vị, địa phương chưa kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp thực hiện chậm, chưa đúng quy định.