Kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định Thừa phát lại

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 41, chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN


Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ: Chủ trương của Đảng về thí điểm Thừa phát lại đã được thể chế hóa và kiểm nghiệm trên thực tế, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận.

Thông qua đó đã cho thấy, việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại là một hướng đi đúng về cải cách tư pháp, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động tư pháp của nước ta cũng như xu thế hội nhập quốc tế. Có thể nói, đây là một nội dung, giải pháp về cải cách tư pháp đề ra tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đã được triển khai thực hiện thành công bước đầu.

Tại 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập. Theo quy định, Thừa phát lại được thực hiện các công việc: Tống đạt văn bản theo yêu cầu của Tòa án và cơ quan Thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án.

Tính đến ngày 31/7/2015, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 834.734 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu là 107 tỷ 552 triệu 100 nghìn đồng.

Trong các mảng công việc, hoạt động tống đạt chiếm tỷ trọng lớn với 834.734 văn bản được tống đạt và doanh thu gần 50 tỷ đồng (chiếm 44,79 % tổng doanh thu); tiếp đến là hoạt động lập vi bằng với 39.027 vi bằng được lập và doanh thu trên 52 tỷ đồng (chiếm 49,07% tổng doanh thu).

Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án chiếm tỷ trọng nhỏ với 781 việc xác minh và 322 vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án, doanh thu của hai loại công việc trên mới đạt gần 7 tỷ đồng (chiếm 9,28% tổng doanh thu).

Để chế định Thừa phát lại được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới, Chính phủ đề nghị: Giao Chính phủ tổ chức thực hiện chế định Thừa phát lại quy định hiện hành cho đến khi Quốc hội ban hành Luật Thừa phát lại. Đồng thời, giao Chính phủ phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng Luật Thừa phát lại, trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2017), gắn với tổng kết thực hiện chế định Thừa phát lại.

Các tổ chức Thừa phát lại đã được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 được tiếp tục hoạt động. Đồng thời, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa tổ chức thí điểm, căn cứ vào điều kiện, nhu cầu tại địa phương mình, xây dựng Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt sau khi thống nhất ý kiến với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện hiệu quả chế định Thừa phát lại, cần xây dựng, ban hành Luật Thừa phát lại với các định hướng, nội dung chủ yếu: Đảm bảo cụ thể hoá tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ với các luật, bộ luật có liên quan; xác định rõ địa vị pháp lý của Thừa phát lại, nghề Thừa phát lại; hoàn thiện mô hình, tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; định hướng, lộ trình phát triển Thừa phát lại đồng bộ với định hướng, lộ trình xã hội hoá hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự...

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm. Hoạt động thừa phát lại đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân lựa chọn.

Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các văn phòng thừa phát lại khẳng định chủ trương và nội dung thí điểm đã thành công bước đầu, nhất là trong điều kiện các loại hình dịch vụ thừa phát lại cung cấp có tính chất khá mới so với hệ thống pháp luật hiện hành.

Qua thảo luận, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đây là chủ trương về xã hội hóa một số hoạt động tư pháp đã được ghi trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Quốc hội đã có nghị quyết cho thí điểm thực hiện chủ trương này.

Đến nay đã triển khai thực tế và qua tổng kết thấy chế định Thừa phát lại có những ưu điểm, mặt tốt để giảm gánh nặng cho cơ quan tòa án, thi hành án hiện nay, tăng cường sự lựa chọn cho người dân trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được và cho kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định Thừa phát lại; tổng kết để trình Quốc hội về Luật thừa phát lại.

Quỳnh Hoa (TTXVN)
Hà Nội đề xuất thay đổi tên “Thừa phát lại”
Hà Nội đề xuất thay đổi tên “Thừa phát lại”

Bản thân tên gọi Thừa phát lại vẫn còn xa lạ với đại bộ phận người dân Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN