Đồng thời, đây cũng là dịp đánh giá chiến lược phát triển logistics cũng như việc kết nối hệ thống cảng biển liên vùng, thực hiện các thủ tục hải quan đối với hàng hóa và phương tiện, con người tại cảng biển qua Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.
Thăm Cảng Hải Phòng, Phó Thủ tướng quan tâm đến việc khai thác lợi thế của một cảng container quốc tế lớn nhất miền Bắc, có vị trí chiến lược trong vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Thành lập từ năm 1874, Cảng Hải Phòng là cảng biển đầu tiên được hình thành ở khu vực Bắc Bộ. Trong mọi thời kỳ Cảng Hải Phòng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đóng vai trò thực sự là đầu mối luân chuyển hàng hóa phục vụ cho cuộc kháng chiến giữ nước và lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Cảng Hải Phòng hiện có 3 khu vực xếp dỡ chính, có phương tiện, thiết bị xếp dỡ hiện đại nhất khu vực phía Bắc. Cảng sử dụng hệ thống công nghệ sạch không phát khí thải để bảo vệ môi trường, áp dụng những thành tựu công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý container, tổ chức sản xuất và điều hành bến container, cung cấp dịch vụ một cửa cho khách hàng, kết nối hệ thống thông quan điện tử của Hải quan, theo đó các khách hàng có thể truy cập hệ thống Hải quan để làm thủ tục thông quan hàng hóa một cách thuận tiện.
Cảng Hải Phòng đang đề xuất xây dựng 2 cảng container và khu vực dịch vụ hậu cần logistics khu vực đảo Cát Hải và di dời cảng Hoàng Diệu.
Thăm Nhà máy ô tô Vinfast, Phó Thủ tướng cho rằng dự án tạo dựng một nền công nghiệp sản xuất xe hai bánh và xe 4 bánh và xây dựng thương hiệu cho ngành hàng của Việt Nam. Dự án nhận được sự quan tâm của chuyên gia trong và ngoài ngành, của đông đảo người tiêu dùng với tốc độ nhanh đến “kinh ngạc”, chỉ một năm đã có sản phẩm bán trên thị trường; là dự án tiêu biểu cho việc xây dựng những cộng đồng lớn ở Việt Nam theo Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển các loại hình doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp này về vấn đề thuế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số luật về chính sách thuế, hiện đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý thuế, các luật khác sẽ được trình, cho ý kiến năm 2019.
Chính sách thuế được nghiên cứu, sửa đổi theo hướng khuyến khích sản xuất trong nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn chung của thế giới, nhất là những hàng hóa, sản phẩm thân thiện với môi trường và ít phát thải sẽ được ưu tiên đặc biệt về thuế.