Sáng 31/3, Văn phòng Ủy ban thường trực Các vấn đề của Liên hợp quốc đã tiến hành phiên họp rà soát lại kết quả các chuyến thăm thực địa của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) nhằm xem xét lại mối tương tác giữa các Nghị viện quốc gia thành viên với các cơ quan của Liên hợp quốc ở bản địa.
Phiên họp do Thượng nghị sĩ Dennis Dawson của Canada điều hành. Đây là hoạt động trong khuôn khổ của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) đang diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Trong cuộc thảo luận, các đại biểu từ hơn 10 nước đã chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm cũng như bài học thực tiễn rút ra từ hoạt động hợp tác ba bên giữa IPU, Liên hợp quốc và Nghị viện thành viên. Theo các đại biểu, sự hỗ trợ tích cực và kịp thời của IPU và các cơ quan của Liên hợp quốc đã góp phần nâng cao năng lực cho Nghị viện nước sở tại, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động Nghị viện và lập ra các chương trình nghị sự thực sự vì lợi ích của người dân…
Tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Minh Huệ, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, thành viên Tiểu ban Nội dung đã chia sẻ kết quả của hai chuyến thăm thực địa do IPU tổ chức vào năm 2009 và 2014 nhằm khảo sát việc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Các chuyến thăm có sự tham gia của người đứng đầu các cơ quan giám sát về HIV/AIDS của IPU, đại diện các cơ quan phòng chống HIV/AIDS của Liên hợp quốc tại Việt Nam và đại biểu Quốc hội các nước quan tâm đến vấn đề này như Lào, Campuchia, Myanmar, Tanzania, Zimbabue, Nam Phi,...
Tư vấn xét nghiệm, tầm soát và chẩn đoán viêm gan virus C cho người nhiễm HIV. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Theo đại biểu Hà Minh Huệ, sau hai chuyến thực địa đến Từ Liêm (Hà Nội) năm 2009 và Điện Biên năm 2014, thăm các cơ sở khám chữa bệnh HIV/AIDS, các đại biểu đã được tìm hiểu về mô hình mở rộng điều trị cho người có HIV/AIDS mà Việt Nam đang thực hiện rất tốt để hướng tới mục tiêu thanh toán hoàn toàn dịch bệnh này vào năm 2030. Các đại biểu nhận thấy Quốc hội Việt Nam luôn ủng hộ các nỗ lực chung của thế giới trong việc phòng chống HIV/AIDS và có ý chí chính trị trong việc phòng ngừa đại dịch này. Những thông tin và kinh nghiệm thu được từ các chuyến đi là bài học, thông tin quý báu dành cho cộng đồng quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS, một công tác đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên.
Đại biểu Hà Minh Huệ khẳng định sự phối hợp ba bên giữa IPU, Liên hợp quốc và Quốc hội Việt Nam rất hiệu quả và cần được tiếp tục duy trì; trong đó các Nghị viện và IPU có vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức cộng đồng để tạo nên nhận thức rõ hơn về nguy cơ, cũng như trong việc hoàn thành mục tiêu chấm dứt đại dịch vào năm 2030. Các đại biểu dự họp ủng hộ quan điểm này của phía Việt Nam.
Tiếp đó, trong phần hai của phiên thảo luận, các đại biểu đã tiến hành đánh giá năng lực thể chế của các Nghị viện trong việc lồng ghép các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào công việc của Nghị viện.
Đại diện Nghị viện các nước thành viên nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các Nghị viện trong việc thúc đẩy SDG, được Liên hợp quốc xây dựng trên cơ sở kế tục những kết quả rất khích lệ và cụ thể trong 15 năm (2000 – 2015) thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Theo các đại biểu, phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng hàng đầu của thế giới hiện nay trong bối cảnh xảy ra nhiều bất ổn vĩ mô tại một số nền kinh tế lớn, tình trạng bất bình đẳng gia tăng, suy thoái môi trường nghiêm trọng và các cuộc xung đột cũng như bệnh dịch vẫn diễn ra. Do đó, các Nghị viện có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Các Nghị viện có thể tạo hành lang pháp lý - môi trường thuận lợi cho quá trình hội nhập, phát triển và thực thi SDGs; đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức thực hiện 17 mục tiêu với 169 tiêu chí cụ thể đề ra trong SDGs sẽ được Liên hợp quốc thông qua vào cuối năm 2015..
Đại biểu Hà Minh Huệ nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước đã đạt được gần hết 8 mục tiêu MDGs, nhất là trong công tác xóa đói giảm nghèo. Trong giai đoạn tiếp theo, việc đặt ra SDGs và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu này là rất cần thiết. Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hoàn thiện thể chế để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Phát triển Bền vững giai đoạn 2011 – 2020, Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững giai đoạn 2013 – 2015. Quốc hội Việt Nam quyết tâm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới trên cơ sở tiếp tục tăng cường phối hợp, hợp tác với IPU và Liên hợp quốc.
Thúy Hà (TTXVN)