Gần 7 năm qua, điều dưỡng Đặng Thị Ngọc Nguyên luôn đem nhiệt tâm của mình để chăm sóc bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS giai đoạn cuối. Chị không chỉ giúp họ xoa dịu nỗi đau về thể xác mà còn giúp các bệnh nhân xoa dịu cả nỗi đau về tinh thần. Đối với Ngọc Nguyên những bệnh nhân nơi đây chính là người thân của mình. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Phan Rang, tốt nghiệp cấp 3, ước mơ của Ngọc Nguyên là làm cô giáo. Thế nhưng, cuộc sống đã đưa đẩy cô tới công việc phụ bán căng tin ở Bệnh viện Nhân Ái (tỉnh Bình Phước) và cũng từ đây đã khiến cô gái trẻ quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với công việc chăm sóc những bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS giai đoạn cuối.
Ngọc Nguyên kể: “Ban đầu, tôi cũng không biết Bệnh viện Nhân Ái là nơi chăm sóc người nhiễm HIV. Sau một thời gian phụ bán căng tin tại đây, tôi đã chứng kiến những bệnh nhân phải trải qua nhiều nỗi đau và buồn tủi do không có người thân bên cạnh. Vậy nên tôi đã nảy ra ý nghĩ: Sao mình không làm gì đó để giúp đỡ họ? Và đó là lý do vì sao tôi quyết định đi học điều dưỡng và quay trở lại chăm sóc bệnh nhân nơi đây.
Bệnh viện Nhân Ái cách trung tâm TP Hồ Chí Minh gần 200 km, là nơi nhận chăm sóc và điều trị giảm nhẹ cho những bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối. Bệnh nhân của bệnh viện được tiếp nhận từ các trại giam, trại tạm giam, các cơ sở giáo dưỡng, người không nơi nương tựa bị nhiễm HIV/ AIDS. Đa phần họ có tiền sử về ma túy và tâm lý diễn biễn rất phức tạp. Hầu hết, sức khỏe của bệnh nhân rất yếu, họ không có người thân chăm sóc, vì vậy mọi sinh hoạt tắm rửa, ăn uống, vệ sinh… đều do các y bác sỹ đảm nhiệm. Làm việc trong môi trường nguy cơ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao, phổi, thậm chí có khi nhân viên y tế còn bị bệnh nhân đuổi đánh, nên hầu hết người thân của những y bác sỹ ở đây đều không muốn họ tiếp tục với công việc này.
Ngọc Nguyên tâm sự: “Khi biết tôi làm việc ở đây, gia đình cũng khuyên về nhưng vì đã quyết tâm và nghĩ cuộc đời của mình sẽ gắn bó với những bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS nên tôi đã tìm cách thuyết phục gia đình”.
Trong suốt gần 7 năm gắn bó với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối tại Bệnh viện Nhân Ái, Ngọc Nguyên có rất nhiều kỷ niệm vui buồn. “Tôi rất buồn mỗi khi bệnh nhân của mình ra đi mãi mãi, và ngược lại thấy rất vui khi bệnh nhân của mình dần hồi phục. Mỗi người là một hoàn cảnh và một số phận khác nhau. Chính họ đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi tiếp tục nỗ lực làm việc tốt hơn và gắn bó với mảnh đất này”, Ngọc Nguyên tâm sự.
Chia sẻ trong nước mắt, Ngọc Nguyên nghẹn ngào nói: Một bệnh nhân mà tôi không bao giờ quên và chính anh đã tiếp thêm sức lực cho tôi tiếp tục gắn bó với công việc mình đang làm là một người nhiễm HIV giai đoạn cuối. Khi được đưa tới bệnh viện sức khỏe anh rất yếu, anh lầm lì, không nói chuyện với ai, xa lánh mọi người. Tôi đã phải cố gắng để giúp anh thoát khỏi sự mặc cảm bằng cách hàng ngày trò chuyện với anh nhiều hơn. Mấy tháng sau, anh nắm chặt tay tôi và nói: “Cô Nguyên ơi, tôi buồn lắm, những tháng năm qua tôi đã sống quá buông thả. Thời gian qua, nhờ có cô, tôi hiểu ra rằng, không ai xa lánh tôi mà chỉ có bản thân tôi đang tự xa lánh chính mình”. Chỉ cần câu nói đó của anh mà tôi thấy mình rất vui và cảm thấy mình đã đi đúng con đường đã chọn.
Đối với các bệnh nhân ở đây, điều dưỡng Đặng Thị Ngọc Nguyên thực sự là điểm tựa tinh thần, là người thân của họ trong những năm tháng cuối đời. Không chỉ chăm sóc bệnh nhân, Ngọc Nguyên còn cùng với đồng nghiệp, vận động những nhà hảo tâm, đóng góp cho bệnh viện để cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng điều trị. Không những thế, điều dưỡng Ngọc Nguyên còn năng nổ trong việc tham gia các hoạt động khám bệnh cho bệnh nhân nghèo, đóng góp quỹ vì trẻ em hiếu học...
“Mong ước lớn nhất của tôi là được tiếp tục gắn bó với công việc, và cũng mong mọi người đừng kỳ thị, xa lánh những người nhiễm HIV/ AIDS. Bởi hơn ai hết, những bệnh nhân này luôn cần lắm sự cảm thông, thương yêu, nâng đỡ của cả cộng đồng”, Ngọc Nguyên chia sẻ.
Đan Phương