Huy động trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng Hiến pháp

Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 26/3, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Huy động trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân xây dựng Hiến pháp”.


Tham gia giao lưu có PGS. TS Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; PGS.TS, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp 1992.


Theo PGS.TS Lê Minh Thông, việc tổ chức lấy ý kiến đều được các cơ quan, tổ chức, địa phương xác định là nhiệm vụ ưu tiên, là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân cũng như cả hệ thống chính trị và đã được triển khai một cách khẩn trương, đồng bộ, rộng khắp, đúng tiến độ theo yêu cầu đặt ra trong Kế hoạch. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng chỉ đạo các địa phương in, gửi tài liệu về Hiến pháp kèm theo Phiếu xin ý kiến đến từng hộ gia đình để từng người dân tham gia ý kiến. Các cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Các tổ chức đảng, đoàn thể, tổ chức lấy ý kiến ở chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên, các chi hội cơ sở, khu công nghiệp, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp... với quy mô, thành phần mở rộng; lựa chọn nội dung cụ thể, phù hợp với từng nhóm đối tượng để việc góp ý được tập trung, có chất lượng. Đặc biệt, cần lưu ý, sau ngày 31/3/2013, nhân dân vẫn có thể tiếp tục đóng góp ý kiến cho đến khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc hội thông qua.


Các vị khách mời khẳng định: Mục tiêu lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp là nhằm lắng nghe nguyện vọng và tiếng nói của nhân dân. Vì vậy, việc tập hợp chính xác, trung thực các ý kiến của nhân dân là hết sức quan trọng và sẽ được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch; phân loại theo từng nhóm vấn đề, nhóm ý kiến. Đối với từng nhóm, sẽ nghiên cứu để tiếp thu những đề xuất, ý kiến phù hợp với tính chất, đặc điểm chế độ ta, Nhà nước ta, nền kinh tế nước ta; tạo điều kiện cho khả năng phát triển của đất nước một cách bền vững trong những năm tiếp theo.


Chương trình giao lưu đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc với hàng trăm câu hỏi gửi về, tập trung vào các nội dung cơ bản và công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; cách thức, cơ chế tiếp nhận ý kiến nhân dân để tránh mang tính hình thức. Các vị khách mời đã giải đáp và cập nhật thông tin về một số vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm như: Những điểm mới trong quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; về mô hình tổ chức bộ máy nhà nước hiện nay; vấn đề phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước; về chế định Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia; phương thức nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước; trưng cầu dân ý; quyền phúc quyết của nhân dân… Đáng chú ý, các vị khách mời đã nêu bật trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác thông tin, tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, đấu tranh, phản bác lại các thế lực thù địch lợi dụng lấy ý kiến để chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Thanh Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN