Vị trí vết nứt đê gồm 1 điểm nứt ở giữa đê và 1 đoạn lún ở sát mép nhựa mặt đường đê về phía trong đồng. Chiều rộng vết nứt trên đê khoảng từ 1cm đến 2 cm, chiều dài khoảng 50 m.
Đây là khu vực có nền đê yếu, trước đây đã từng xảy ra sự cố nứt đê, sạt trượt. Từ cuối năm 2015, cũng tại đoạn đê này xuất hiện vết nứt dài 12 m đã bị sụt lún có dấu hiệu đe dọa nguy cơ sạt lở mái đê.
Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, nguyên nhân xảy ra sự cố lún nứt tại vị trí nói trên được ngành nông nghiệp xác định là do đoạn đê thuộc khu vực có địa chất nền yếu, do nhiều lần xảy ra sự cố vào các năm trước đây, địa hình có nhiều yếu tố bất lợi.
Hơn nữa, từ khi đê tả sông Hồng được đầu tư nâng cấp trải nhựa, mật độ và tải trọng xe cộ lưu thông trên đê tăng gấp nhiều lần, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng của mặt đê và thân đê.
Trước sự cố trên, tỉnh Hưng Yên đã cử lực lượng theo dõi chặt chẽ diễn biến, xây dựng kế hoạch và hoàn thiện phương án xử lý cấp bách sự cố và các biện pháp chủ động trước mọi tình huống. Đồng thời, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phương án xử lý kịp thời và đảm bảo an toàn cho tuyến đê trước mùa mưa lũ.