"Tiếp tục đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống bằng các hoạt động linh hoạt, ngày càng khẳng định vai trò là trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội" - đây là vấn đề được Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đưa ra tại hội nghị "Tổng kết thực hiện Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012-2020", tổ chức ngày 25/12.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90% dân số
Để cụ thể hóa Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện tập trung vào việc phát triển mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương xây dựng Nghị quyết chuyên đề hoặc chương trình hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị.
Riêng bảo hiểm xã hội, tỉnh Hưng Yên đã tập trung làm tốt công tác tham mưu, đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thiết thực theo từng năm; đã ban hành Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế một số đối tượng trên địa bàn gồm: Người tham gia các tổ thu gom rác tại các thôn, khu phố chưa có thẻ bảo hiểm y tế; người đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế; học sinh, sinh viên; người thuộc hộ cận nghèo…
Với sự hỗ trợ thiết thực trên đã góp phần nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt hơn 30% so với lực lượng lao động; gần 200 nghìn người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hơn 1 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ bao phủ đạt 90% dân số.
Bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên còn tích cực cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện tỷ lệ tham gia thực hiện giao dịch điện tử lĩnh vực thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 78%. Tỷ lệ hồ sơ nhận qua giao dịch điện tử chiếm 75%. Bộ thủ tục hành chính được cắt giảm từ 114 thủ tục trước đây xuống còn 25 thủ tục (năm 2021). 100% số thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4... Việc thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm ngày càng kịp thời, đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách...
Đáng chú ý, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp được ngành chuyên môn quyết liệt vào cuộc, nhanh chóng triển khai trực tiếp tới người lao động và chủ sử dụng lao động... Với mục tiêu đưa chính sách hỗ trợ đến người thụ hưởng kịp thời, chính xác, hiệu quả nhất, bảo hiểm xã hội tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ đơn vị sử dụng lao động giảm mức đóng 1% quỹ bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 125 tỷ đồng; chi trả hơn 370 tỷ đồng hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số116/NQ-CP.
Tạo trụ cột vững chắc cho hệ thống an sinh xã hội
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá cao quá trình triển khai Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đã được các ngành chức năng và các địa phương cụ thể hóa, thực sự đi vào cuộc sống. Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên khẳng định, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Theo đó, ngành chuyên môn quản lý, sử dụng đúng quy định và có hiệu quả quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm bảo đảm cân đối trong dài hạn, thực hiện tốt dự toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cân đối hàng năm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng cho biết, mục tiêu đến năm 2025, Hưng Yên duy trì và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, đảm bảo khoảng 95% người dân có thẻ bảo hiểm y tế vào năm 2025; phấn đấu đạt 45% lực lượng lao dộng trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội trên toàn tỉnh, mở rộng đối tượng tham gia, thu đúng, đủ, nhanh chóng, giảm tỷ lệ nợ đọng, giải quyết kịp thời các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu 60% lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc như: Tình trạng nhiều doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội dẫn đến nợ đọng kéo dài; hiện tượng trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, một số doanh nghiệp chưa quan tâm quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho người lao động; trong khi đó, chế tài xử lý các vi phạm này còn thấp, chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn chặn...