Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025, Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar đã chia sẻ một số đánh giá về sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong năm 2024, kết quả hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực và tiềm năng hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Đại sứ đánh giá thế nào về sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong năm 2024?
Cùng nhìn lại năm 2024, chúng ta có thể thấy Việt Nam đã thể hiện sự kiên cường và tăng trưởng đáng kể trong phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế vượt chỉ tiêu đề ra, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Những thành tựu này càng trở nên đặc biệt hơn trong bối cảnh Việt Nam phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề do tác động của siêu bão Yagi vào tháng 9/2024. Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ này tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tiếp theo của Việt Nam trong năm 2025.
Trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục duy trì là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất khu vực ASEAN, trong khi giá trị xuất khẩu đã đạt một mốc mới trong lịch sử. Sự tăng trưởng kinh tế này củng cố vị thế của Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á.
Đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đã làm gia tăng nhu cầu về lực lượng lao động chất lượng cao. Những hành động của Việt Nam trong việc chuyển đổi số trong năm 2024 đã đạt được những kết quả đáng chú ý, góp phần cải thiện hiệu quả dịch vụ công, nâng cao hoạt động kinh doanh và tạo ra những cơ hội mới cho đổi mới và phát triển.
Ngoài những thành công về kinh tế, tôi có thể nói rằng năm 2024 Việt Nam cũng đã có những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực xã hội và văn hóa. Nhân đây, tôi xin gửi lời chúc mứng đến Đội tuyển bóng đá của các bạn đã giành ngôi vô địch ASEAN Cup 2024.
Trên bình diện quốc tế, những cam kết hội nhập quốc tế cùng với ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng đã giúp Việt Nam củng cố vai trò của mình như một nhân tố quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cách tiếp cận phát triển cân bằng của Việt Nam, kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế với các hoạt động bền vững, chuyển đổi số và hợp tác quốc tế, giúp Việt Nam có một vị thế thuận lợi để tiếp tục đạt được nhiều thành công trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Xin Đại sứ chia sẻ những kết quả chính của các chương trình và dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong năm 2024?
Năm 2024 đánh dấu một chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hà Lan, sau khi hai nước chúng ta vừa kỷ niệm nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ đối tác đa dạng của hai nước được gắn kết trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Quan hệ đối tác kinh tế giữa Hà Lan và Việt Nam trong năm qua được phát triển mạnh mẽ, trong đó hoạt động nổi bật là hai phái đoàn thương mại lớn của Hà Lan tới Việt Nam, một đoàn trong tháng Ba, với 80 doanh nghiệp Hà Lan nhân dịp chuyến thăm của hai Bộ trưởng Hà Lan và một đoàn gồm 51 doanh nghiệp tới Việt Nam vào tháng 11/2024 trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh. Những đoàn thương mại lớn mở ra những cơ hội hợp tác kinh doanh mới và thể hiện niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp Hà Lan đối với tiềm năng thị trường của Việt Nam. Sự tham gia tích cực của của các công ty, các tổ chức nghiên cứu và các tổ chức xã hội của Hà Lan trong rất nhiều sự kiện, hoạt động song phương, đa phương trong năm qua phản ánh cam kết chiến lược của chúng tôi trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh và bao trùm tại Việt Nam thông qua những quan hệ đối tác lâu dài và trao đổi tri thức.
Hợp tác để Việt Nam có thể hội nhập sâu rộng hơn trên trường thương mại quốc tế cũng là một ưu tiên hàng đầu của Hà Lan. Thông qua các chương trình như Ready2Export, các chuyên gia Hà Lan cố vấn và đào tạo năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, dệt may và sản xuất, giúp họ hiểu và đáp ứng được với các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), Chỉ thị về Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) và Quy định về chống phá rừng (EUDR).
Việc hiểu và điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp nhằm tuân thủ các quy định này là điều kiện rất quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt các cơ hội xuất khẩu mới. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam và Hà Lan đang phối hợp chặt chẽ để nông sản xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực cà phê, có thể tuân thủ các quy định EUDR. Ngoài những sáng kiến này, năm 2024 chứng kiến sự hợp tác sâu sắc hơn trong các lĩnh vực mà Hà Lan và Việt Nam đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài như quản lý nước, khí hậu, hàng hải, phát triển cảng, cũng như những lĩnh vực mới như công nghệ cao và công nghệ tuần hoàn.
Quan hệ đối tác của hai nước không chỉ dừng lại ở hợp tác kinh tế mà còn bao gồm những hoạt động quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng, quyền con người, nghệ thuật và giao lưu nhân dân.
Chuyến thăm đầu tiên của Tàu hải quân Hoàng gia Hà Lan TROMP cập cảng Hải Phòng vào tháng 5/2024 là một minh chứng cụ thể cho quan hệ hợp tác hải quân và cam kết hợp tác thực thi luật pháp biển quốc tế. Tôi rất vui khi chương trình hợp tác thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn (UNCAT) giữa Viện Clingendael của Hà Lan và Bộ Công an Việt Nam được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2024-2026. Sự nối lại hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Xã hội và Viện Quyền con người thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thể hiện cam kết chung của chúng ta trong việc nâng cao hiểu biết và thực hiện các vấn đề nhân quyền. Hai bên vẫn duy trì các hoạt động giao lưu văn hóa sôi động với Hà Lan là nhà tài trợ chính cho sự kiện BridgeFest, một lễ hội âm nhạc và cộng đồng độc đáo nhằm giới thiệu tới cộng đồng vai trò và các hoạt động của các tổ chức xã hội Việt Nam trong nền kinh tế nhân văn. Tháng 11 vừa qua, nhà vận động người khuyết tật và cũng là một nhân vật ảnh hưởng người Hà Lan Eva Eikhout đã tới Việt Nam và tham gia vào chuỗi hội thảo và các hoạt động đầy ý nghĩa và truyền cảm hứng tại Hà Nội. Cô đã có cơ hội kết nối và hoà nhập với cộng đồng nghệ sĩ và người khuyết tật Việt Nam thông qua nghệ thuật.
Những thành tựu trên nhiều lĩnh vực này chứng minh mối quan hệ song phương ngày càng sâu đậm và lớn mạnh giữa hai nước chúng ta. Tôi hy vọng trong năm 2025, chúng ta tiếp tục bồi đắp, củng cố mối quan hệ hai nước trên nền tảng của những thành công này.
Với hệ sinh thái sản xuất bán dẫn đa dạng nhưng gắn kết với nhau ở vùng Brainport Eindhoven, Hà Lan từ lâu đã là một quốc gia dẫn đầu thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là trong thị trường thiết bị. Trung bình, 85% các mạch tích hợp trong các thiết bị điện tử trên toàn thế giới được sản xuất trên các máy móc được thiết kế và chế tạo tại Hà Lan. Hà Lan có thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này như thế nào?
Chuỗi giá trị bán dẫn của Hà Lan đa dạng hơn rất nhiều chứ không chỉ là một vài tập đoàn toàn cầu. Đó là một mạng lưới liên kết với hơn 300 nhà cung cấp trên nhiều cấp độ và các lĩnh vực khác nhau – từ cơ khí, cơ điện tử, quang học, đến dịch vụ kỹ thuật và hơn thế nữa. Các công ty nhỏ hơn này tạo ra 41% doanh thu và 59% việc làm trong lĩnh vực này. Một con số ấn tượng khác có thể kể ra là khoảng 80% giá trị của một máy móc sản xuất chip được chế tạo tại Hà Lan đến từ mạng lưới các nhà cung cấp. Đây là một điểm rất thú vị và là cơ hội lớn đối với Việt Nam: Tham gia vào chuỗi cung ứng các bộ phận và linh kiện cho lĩnh vực này nhờ năng lực sản xuất và các ngành công nghiệp hỗ trợ đang phát triển.
Trong khi các công ty Hà Lan như Lucassen Precision Asia, Sioux Technologies và NXP Semiconductors đã có mặt tại Việt Nam hơn một thập niên qua, các khoản đầu tư gần đây của Besi, VDL ETG và Tecnotion phản ánh sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực này. Giờ là lúc để Việt Nam tạo ra các điều kiện phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng bằng cách tăng cường năng lực cho lực lượng lao động, thúc đẩy thiết kế hệ sinh thái, điều chỉnh quy định, thiết lập các trung tâm một cửa hiệu quả cho doanh nghiệp và cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng và số hóa. Hà Lan sẵn sàng hợp tác trong những lĩnh vực này để mở ra những cơ hội kinh doanh mới dựa trên hợp tác đào tạo và trao đổi kinh nghiệm của chúng tôi trong việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ cao.
Năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Brainport Eindhoven – trung tâm công nghệ cao của Hà Lan. Năm 2023, nguyên Thủ tướng Rutte đã thăm Việt Nam cùng với một phái đoàn đông đảo các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Hà Lan cũng đã tham gia và đóng góp cho thành công của Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024 (SEMI Expo Vietnam) trong tháng 11 vừa qua và trong năm 2024, nhiều hoạt động dành cho sinh viên trong lĩnh vực công nghệ cao đã được tổ chức tại Việt Nam, Malaysia và Hà Lan. Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ tạo ra sự đa dạng hơn trong cung cầu toàn cầu, từ đó mang lại lợi ích cho Việt Nam, Hà Lan và các quốc gia khác.
Đánh giá các cơ hội và thách thức trong nước, trong khu vực và trên thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định rằng Việt Nam đang đứng trước một thời khắc lịch sử, một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi một sự thay đổi sâu sắc trong phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo để dẫn dắt đất nước tiến lên. Ông đánh giá thế nào về những hành động mà Việt Nam đang thực hiện?
Thế hệ lãnh đạo mới của Việt Nam đã xác định cải cách thể chế là một nhiệm vụ cấp bách. Chương trình nghị sự này có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng doanh nghiệp, vì các khung thể chế được cải cách và các cơ chế quản trị hiệu quả sẽ giảm bớt rào cản và tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của lĩnh vực kinh tế tư nhân. Một trong những tín hiệu tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp Hà Lan, là chỉ số Niềm tin Kinh doanh EuroCham Vietnam 2024 đạt mức cao nhất trong 2 năm qua. Tôi hy vọng chương trình nghị sự này sẽ sớm được thực thi để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, cũng như để Việt Nam thu hút thêm nhiều FDI chất lượng, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững và bao trùm của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh tầm quan trọng của con người, trong đó con người là động lực chính và cần được đặt ở trung tâm của mọi chính sách và hành động. Đó là một chiến lược có tầm nhìn để ứng phó với một thế giới ngày nay đầy thách thức, xung đột và thay đổi. Hà Lan sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các hoạt động kinh tế, đồng thời tăng cường năng lực cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề, tri thức cao, đồng thời hợp tác cùng nhau để tìm ra giải pháp biến thách thức thành cơ hội. Và tôi hoàn toàn tin tưởng rằng trong năm 2025 và những năm tiếp theo, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng và củng cố quan hệ kinh tế cũng như hợp tác trong các lĩnh vực khác như luật pháp quốc tế, nhân quyền, trao đổi nghệ thuật và văn hóa và ngoại giao nhân dân, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và bao trùm đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người.
Năm 2025, chúng ta chào đón năm con Rắn, biểu tượng của trí tuệ, sự bền bỉ và sức mạnh nội tâm – những phẩm chất cốt yếu để có thể vững vàng và kiên định trong một thế giới ngày càng biến động. Con Rắn cũng đại diện cho sự thay đổi, chuyển mình và phát triển và tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu lớn hơn trong năm tới.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, tôi chúc các bạn năm mới sức khỏe, bình an, thịnh vượng và gặp nhiều may mắn!
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ Kees van Baar đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!