Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp của gần 60 tỉnh, thành phố trên cả nước; đại diện lãnh đạo các cục, vụ chức năng của các bộ, ngành Trung ương và các sở/ngành địa phương. Về phía Nhật Bản có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio; Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo các cơ quan kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển, lao động, du lịch; các hiệp hội doanh nghiệp và lãnh đạo hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Ngoài hơn 1.000 đại biểu tham dự Hội nghị, trong đó có hơn 300 đại biểu phía Nhật Bản, khoảng hơn 800 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp tại Nhật Bản đã đăng ký trực tuyến theo dõi Hội nghị trên website của Tổ chức Xúc tiến Thương Mại Nhật Bản (JETRO).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định sự phát triển hết sức tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản, trong đó các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong hợp tác hai nước. Việc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide chọn Việt Nam để đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức đã thể hiện sự coi trọng vai trò và quan hệ với Việt Nam của Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản.
Bày tỏ vui mừng khi Việt Nam và Nhật Bản đã tích cực chia sẻ, ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau trong đối phó với dịch COVID-19, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nói chung và hợp tác cấp địa phương hai nước nói riêng vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển, mang lại những lợi ích cho nhân dân hai nước. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm điều kiện tiên quyết. Đồng thời, Việt Nam ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu là những lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Yamada Takio đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị của Bộ Ngoại giao, cảm kích trước sự quan tâm và tham dự đông đảo của các địa phương Việt Nam. Đại sứ khẳng định mong muốn đồng hành cùng lãnh đạo các tỉnh, thành của Việt Nam thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút ngày càng nhiều công ty của Nhật Bản có kỳ vọng tới Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1973 - 2023), Đại sứ mong rằng, Hội nghị gặp gỡ Nhật Bản lần này sẽ là “bước tiến mới” trong việc khôi phục các hoạt động giao lưu giữa các địa phương hai nước trong giai đoạn mới.
Hội nghị đã nghe tham luận, trao đổi của đại diện các bộ, ngành Trung ương, Đại sứ quán và các cơ quan Nhật Bản, lãnh đạo các địa phương Việt Nam và các đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản về các lĩnh vực hợp tác đầu tư, thương mại, nông nghiệp, chuyển đổi số, đô thị thông minh, hợp tác địa phương, nguồn nhân lực và giáo dục - đào tạo.
Các ý kiến phát biểu của cả phía Việt Nam và Nhật Bản tập trung nêu định hướng, ưu tiên hợp tác của các bên, đánh giá các kết quả hợp tác, chia sẻ về kinh nghiệm thành công cũng như các vướng mắc cần tháo gỡ. Phía Nhật Bản đánh giá Việt Nam là một trong những đối tác hiếm hoi không bị gián đoạn mà còn thúc đẩy được quan hệ với Nhật Bản trong thời kỳ COVID-19 gây khó khăn cho toàn thế giới.
Sau buổi Tọa đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp Nhật Bản (tháng 9/2020), chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide (tháng 10/2020), Hội nghị lần này được đánh giá là sự kiện thứ ba liên tiếp trong ba tháng qua có ý nghĩa động lực thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật. Bên cạnh các lĩnh vực hợp tác được hai bên quan tâm củng cố nhiều năm qua (đầu tư, thương mại, nông nghiệp…), hợp tác nguồn nhân lực và giáo dục - đào tạo tiếp tục được đề cao các khuôn khổ hợp tác cấp địa phương. Đặc biệt, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số được hai bên kỳ vọng sẽ là lĩnh vực hợp tác tiềm năng và hứa hẹn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá Hội nghị là một minh chứng sinh động cho thấy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam và Nhật Bản đang lan tỏa mạnh mẽ và đi vào thực chất, dựa trên nền tảng cam kết, tin cậy, chia sẻ lợi ích.
Bên lề Hội nghị, Bộ Ngoại giao đã tổ chức 40 cuộc gặp làm việc bên lề giữa các lãnh đạo các địa phương dự Hội nghị với ngài Đại sứ và lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, hiệp hội quan trọng của Nhật Bản.