Chiều qua (30/3), sau khi phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2011 kết thúc, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp báo, công bố nội dung phiên họp và những chính sách quản lý, điều hành mới của Chính phủ trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, duy trì tăng trưởng kinh tế.
Chủ trì buổi họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo những kết quả đạt được sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Cán bộ, công nhân viên chức, người hưởng lương hưu có thu nhập thấp được hỗ trợ khó khăn Ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 471/QĐ-TTg về trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn. Theo quyết định này, các đối tượng được hưởng trợ cấp như sau: Những người có hệ số lương (lương chức vụ hoặc lương theo ngạch, bậc hiện hưởng) từ 3,00 trở xuống; những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 2,2 triệu đồng/tháng trở xuống; người có công với cách mạng hưởng trợ cấp thường xuyên (không bao gồm đối tượng hưởng trợ cấp tuất), thì được hưởng mức hỗ trợ 250.000 đồng/người. Người hưởng trợ cấp tuất (bao gồm cả đối tượng hưởng trợ cấp tuất bảo hiểm xã hội và trợ cấp tuất đối với người có công) được hỗ trợ 100.000 đồng/người. Hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 250.000 đồng/hộ. Việc hỗ trợ này được thực hiện làm hai lần trong quý II/2011. TTN |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp Chính phủ vừa kết thúc, nhằm chia sẻ với những khó khăn của người dân, nhất là các hộ nghèo, đối tượng chính sách, Chính phủ đã bàn thảo và thống nhất thực hiện kế hoạch tăng lương cơ bản theo lộ trình vào tháng 5/2011. Đặc biệt, Chính phủ quyết định trợ cấp cho các đối tượng có mức thu nhập thấp (mức lương dưới 3,0); hỗ trợ cho các đối tượng nghèo tiền điện 300.000 đồng/tháng và trợ cấp 1 lần với mức 250.000 đồng. Tổng kinh phí dành cho các khoản chi này lên đến 3.100 tỷ đồng.
Cũng tại phiên họp này, Chính phủ đã phát động phong trào thực hành tiết kiệm mạnh mẽ trong toàn dân, các thành phần kinh tế để góp phần làm giảm áp lực chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao. "Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, đây là một cố gắng rất lớn của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân ổn định đời sống, đối phó với giá cả tăng cao", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trả lời báo giới về tác động của việc tăng giá xăng dầu ngày 29/3 đến công tác kiềm chế lạm phát, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Nguyễn Tiến Thỏa cho biết căn cứ vào diễn biến giá xăng dầu trên thị trường quốc tế, liên Bộ Tài chính- Công Thương đã chấp thuận việc tăng giá xăng dầu. Ông Thỏa cho rằng đây là việc điều chỉnh bất khả kháng vì từ đợt tăng 14/2, giá xăng dầu thế giới đã tăng rất cao, gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước. Việc tăng giá xăng lần này là sự chia sẻ với doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Ông Thỏa cho biết, mức điều chỉnh giá xăng lần này làm tăng khoảng 0,4% đối với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tuy nhiên giá xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn giá mặt hàng này của các nước xung quanh.
Liên quan đến công tác quản lý giao dịch ngoại tệ, vàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, sau khi các cơ quan chức năng triển khai mạnh mẽ các biện pháp siết chặt việc giao dịch ngoại tệ, không chấp nhận việc giao dịch vàng miếng, tình hình cung cầu ngoại tệ trong nước đã có nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định cán cân thanh toán. Nhà nước công nhận quyền sở hữu vàng miếng của người dân, nhưng không thể để xảy ra tình trạng vàng miếng trở thành phương tiện thanh toán, thành công cụ đầu cơ trên thị trường. Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ sớm ban hành văn bản quy định cụ thể vấn đề này.
Thu Hường