Tuy nhiên, vẫn còn khoản vốn 3.400 tỷ đồng của chương trình chưa đủ điều kiện để trình Thủ tướng thông báo danh mục và mức vốn.
Khoản vốn này thuộc lĩnh vực của Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Lạng Sơn.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng phương án phân bổ số vốn còn lại thuộc lĩnh vực y tế của chương trình. Bộ Lao động, Thương binh và xã hội rà soát, bổ sung thông tin đối với 2 dự án của tỉnh Bình Phước, tỉnh Điện Biên đã đề xuất bố trí từ số vốn còn lại chưa phân bổ.
Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Thủ tướng thông báo danh mục và mức vốn cho các dự án của tỉnh Bình Phước và tỉnh Điện Biên lần lượt là 70 tỷ đồng và 60 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bình Phước và Điện Biên lại đề xuất ngân sách Trung ương bố trí số vốn là 80 tỷ đồng, cao hơn phương án Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến và chưa có cam kết bố trí vốn từ ngân sách địa phương.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan có liên quan, hoàn thiện hồ sơ, tờ trình báo cáo Thủ tướng; giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan chủ quản thực hiện dự án Dự án nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B, Lạng Sơn.
Báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến nay, đã có 66.300 tỷ đồng thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội được giải ngân.
Tháng 10, Chính phủ đã giao hơn 38.000 tỷ đồng vốn năm nay cho một số dự án thuộc chương trình phục hồi. Do mới được giao kế hoạch nên số vốn này chưa được giải ngân. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tới đây, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này.
Đánh giá chung về tình hình giải ngân thuộc chương trình phục hồi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giải ngân các chính sách của chương trình có xu hướng chậm dần trong những tháng gần đây.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã yêu cầu một số cơ quan chủ dự án, nội dung thành phần thuộc hai Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ; giải pháp hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai một số nội dung, dự án thuộc thẩm quyền được giao.
Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là trong việc tham gia ý kiến về các nội dung liên quan đến công tác quản lý vốn đầu tư công (phân bổ, điều chỉnh, giao kế hoạch đầu tư công...). Các ý kiến tham gia bảo đảm yêu cầu về chất lượng, yêu cầu về tiến độ để công tác quản lý kế hoạch đầu tư công được kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đồng thời, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, nâng cao tính khả thi của các dự án để có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023, tích cực giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, không để chậm trễ...