Những tấm gương dũng cảm
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, quân và dân Mường Khương, các đồn biên phòng trên tuyến biên giới, tự vệ lâm trường đã dũng cảm đánh chặn bẻ gãy nhiều đợt tiến công trên hướng cửa khẩu Sín Tèn, Pha Long vào Mường Khương.
Trong chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương vì nước quên thân. Đó là hai vợ chồng bà Vũ Thị Chiên và ông Đặng Văn Dương là tự vệ lâm trường cùng xung phong lên trận địa tiền tiêu đánh địch. Bà Chiên phối hợp với công an, biên phòng, một mình sử dụng 4 loại súng để đánh trả nhiều đợt tiến công của đối phương suốt 3 ngày ròng rã. Đến ngày thứ 4, ông Đặng Văn Dương hy sinh, bà Chiên nén đau thương cùng với đồng đội chặn đứng mũi tiến công của đối phương từ hướng Pha Long lên.
Tấm gương người phụ nữ kiên trung được cấp trên ghi nhận và ngay trên trận địa còn vang tiếng súng, bà Chiên đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Huệ, cán bộ quân khí của tỉnh Hoàng Liên Sơn hăng hái lên nhận nhiệm vụ ở nơi đang cam go quyết liệt. Khi gặp địch, một mình ông Huệ đã tiến công, bắn cháy một xe mô tô 3 bánh của đối phương, tiêu diệt tại chỗ 2 tên địch và anh dũng hy sinh.
Đồng chí Võ Đại Huệ, Đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 16 bình tĩnh chỉ huy đơn vị chiến đấu lập công xuất sắc. Trên đường trở về hậu cứ không may đơn vị lọt vào ổ phục kích của kẻ thù, đồng chí Võ Đại Huệ đã một mình chiến đấu thu hút hỏa lực của địch tạo điều kiện cho đơn vị rút ra an toàn, đồng chí anh dũng hy sinh ngày 18/2/1979.
Quân, dân cùng bám trụ biên cương
Hồi tưởng lại ngày này cách nay 40 năm về trước, bà Sềnh Mây Dín (sinh năm 1958) ở xã Pha Long, huyện Mường Khương (Lào Cai) vẫn không thể quên buổi sáng 17/2/1979.
Quân Trung Quốc tràn qua biên giới bắn phá bản làng làm thương vong nhiều người dân, trong đó có nhiều người thân của bà Dín. Cả làng phải chạy loạn, tránh đạn pháo cối của quân địch.
Cả dãy phố, bản làng chìm trong khói lửa, cháy trụi, tiếng trẻ em khóc lẫn tiếng súng nổ, người già, phụ nữ chạy náo loạn. Những ngôi nhà gỗ cháy như ngọn đuốc do đạn pháo bắn vào.
Bà Dín kể lại: “Ngày đó, tôi mới 21 tuổi, đang mang thai con trai đầu được 5 tháng. Bụng mang dạ chửa, nghe tiếng súng nổ tôi vơ vội mấy bộ quần áo chạy theo dân làng. Những loạt đạn pháo bắn vào cuối làng làm tôi ngã dúi dụi vào bụi lau ven đường. Vừa chạy vừa gọi to tìm bố chồng cùng hai chú em chồng còn nhỏ. Chồng tôi thì không biết đi lạc lúc nào. Một khung cảnh loạn lạc cả bản làng Pha Long”.
Không kể lực lượng vũ trang và công an nhân dân, quân Trung Quốc đã giết hại 596 người và làm bị thương 212 người, hơn 500 người bị bắt. Số người bị chết chủ yếu là ở các ngành nông lâm nghiệp vì đây là các đơn vị đầu tiên phối hợp với lực lượng công an vũ trang nổ súng đánh trả quân địch ngay từ những trận đầu. Ngoài ra, Đoàn địa chất 305 thuộc Liên đoàn Địa chất 3 cũng có 39 người hy sinh. Tại các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng, thị xã Lào Cai, nhiều người dân trên đường đi sơ tán đã bị quân Trung Quốc sát hại.
“Tôi cùng gia đình nhà chồng đi sơ tán tránh đạn pháo của địch bắn phá được một ngày thì tìm về nhà. Một cảnh tượng tan hoang, may mắn nhà tôi chỉ hỏng mái nên đành vá víu lại để ở”, bà Dín kể tiếp.
Sau những trận pháo ác liệt, buổi sáng thức dậy nấu cơm, khi mở cửa nhà bà Dín nhìn thấy một chiếc xe tải chở 2 em bé và một anh bộ đội bị thương rất nặng để lại ven đường. Bà nhanh chóng ra cứu thương, hỏi danh tính thì biết anh bộ đội tên Chen là chiến sĩ đồn biên phòng Pha Long. Bà Dín đã tìm nước cho anh Chen uống và lấy gạo trong nhà nấu cháo cho anh ăn.
“Nhìn hai đứa trẻ có vẻ sợ hãi khi thấy anh Chen bị thương rất nặng: Gẫy chân và tay, toàn thân thương tích đau đớn, than khóc, tôi cũng khóc theo”, bà Dín xúc động kể lại.
Chăm sóc anh Chen ở nhà mình được một ngày thì dân quân địa phương đưa anh Chen đi. Chiến sự kết thúc, về sau này bà Dín cũng không biết người lính biên phòng ấy được gia đình cứu chữa còn sống hay đã hy sinh.
“Mãi đến năm 2006, khi tôi cùng hội phụ nữ của xã lên viếng nghĩa trang liệt sĩ dịp 27/7, tôi sững người khi thấy phần bia mộ ghi tên Phạm Văn Chen, sinh năm 1956, hy sinh ngày 28/2/1979. Tôi đã òa khóc và không nghĩ buổi sáng định mệnh là lần cuối cùng tôi được chăm sóc anh Chen”, bà Dín kể lại trong nước mắt tuôn rơi.
Ông Lùng Chín Thàng, chồng bà Dín cho biết: Sau chiến sự, đồn Pha Long bị địch bắn phá hư hỏng nặng, bộ đội biên phòng từ trên núi xuống nhà ông ở, củng cố lực lượng. Tuy vậy, thi thoảng trên biên giới Pha Long vẫn còn tiếng súng nổ của bọn biệt kích thám báo. Ba hộ dân còn sót lại ở Pha Long ngày ấy, trong đó có gia đình ông Thàng đã có công che giấu bộ đội và là cơ sở cho cán bộ, chiến sĩ đồn Pha Long sau này.
Sau gần 1 tháng ồ ạt tấn công biên giới nước ta, thất bại về quân sự, bị dư luận quốc tế lên án, ngày 5/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân khỏi lãnh thổ nước ta. Ngày 15/3/1979, toàn bộ lực lượng của đối phương đã rút khỏi tuyến biên giới tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ), nay là tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Góp phần vào thành tích chung của quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta, quân và dân tỉnh Hoàng Liên Sơn đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Bài cuối: Điểm tựa tin cậy của nhân dân biên giới