Hội thảo quốc tế 'Pháp-Châu Âu-Việt Nam từ năm 1954'

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ Năm giao lưu Việt-Pháp, Pháp-Việt 2013-2014 và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Pháp, trường Đại học Paris I Panthéon-Sorbone và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) phối hợp với một số đối tác thuộc Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Pháp tổ chức hội thảo quốc tế “Pháp-Châu Âu-Việt Nam từ năm 1954” trong ba ngày 16-18/1 tại thủ đô Paris, Pháp.          

Đây là một hội thảo quy mô tập hợp các nhà sử học, các chuyên gia và các nhân chứng nhằm đánh giá toàn diện mối quan hệ giữa Việt Nam với Pháp và châu Âu kể từ khi Hiệp định Geneva về hòa bình Việt Nam được ký kết năm 1954, đồng thời nêu bật những triển vọng hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Pháp với việc hai nước chính thức nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp vào tháng 9/2013 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.          

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam, quan hệ giữa Việt Nam và Pháp trải qua một giai đoạn khó khăn. Vào năm 1973, Việt  Nam  và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước. 

Trong 40 năm qua, Pháp và Việt  Nam  đã xây dựng nền tảng cho mối quan hệ đặc biệt, thông qua nhiều thỏa thuận và cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực rất đa dạng. Các quan hệ đó được Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước vun đắp, ngày càng  phát triển mạnh mẽ, đi vào thực chất và trở thành mối quan hệ hữu nghị và hợp tác hết sức tốt đẹp ngày hôm nay. Song song với mối quan hệ đó, đối thoại Pháp-Việt cũng mở rộng thành đối thoại đa phương, đặc biệt là thông qua Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM).         

Trong ba ngày hội thảo, các đại biểu phát biểu và thảo luận theo các chủ đề chuyên sâu như quan hệ hợp tác quốc phòng, chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học, giáo dục…         

 Ngày 16/1, trong khuôn khổ hội thảo về hợp tác quốc phòng, các đại biểu đã điểm lại những mốc lớn trong quan hệ hợp tác Pháp-Việt bắt đầu bằng việc mở văn phòng tùy viên quốc phòng vào năm 1991 tại Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, hợp tác trong lĩnh vực quân y rồi mở rộng ra tới việc đào tạo sĩ quan tại Học việc quốc phòng Pháp và trường võ bị Saint-Cyr, trao đổi các đoàn cấp cao, tàu hải quân Pháp thăm Việt Nam…         

Đánh giá về hợp tác quốc phòng Pháp-Việt thời gian qua, Trung tá Nadia-Piercy cho rằng đây là một lĩnh vực năng động, tích cực, với các hoạt động phong phú và đa dạng. Pháp sẽ giúp đỡ Việt  Nam  huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hợp Quốc. Trước đó, hai bên đã đề cập đến việc Tổng thống Pháp François Hollande và Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian thăm chính thức Việt Nam trong năm nay.          

Về triển vọng hợp tác quốc phòng trong thời gian tới, Thiếu tướng Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự đầu tiên của Pháp tại Việt Nam, cho rằng các triển vọng là rất lớn, không chỉ trong lĩnh vực cung cấp các công nghệ quân sự mà cả trong lĩnh vực đào tạo sĩ quan, huấn luyện để quân đội Việt Nam có thể sử dụng các thiết bị hiện đại. Ông nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa hai nước về mặt pháp lý liên quan đến Biển Đông: “Hợp tác song phương Việt Nam và Pháp tiến triển rất tốt nhưng cần mở rộng ra thành sự hợp tác giữa các nước châu Âu và các nước khu vực Đông Nam Á nhằm đảm bảo tự do hàng hải tại các khu vực biển quốc tế”.


TTXVN/Tin tức

Hội thảo quốc tế về nước và sức khỏe ở đô thị

Trường Đại học Khoa học Huế phối hợp với Đại học Tokyo và một số trường đại học, viện nghiên cứu của Nhật Bản tổ chức Hội thảo quốc tế "Nước và sức khỏe ở đô thị" với sự tham dự của các nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Bangladesh, Lào...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN