Hội thảo một số vấn đề lý luận và thực tiễn sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật

Ngày 20/8, Viện Nghiên cứu lập pháp và Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ “Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” tổ chức hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Khánh

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS Lê Hải Đường và Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, TS Lê Thanh Kim - Chủ nhiệm Đề tài đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường cho biết, Đề tài cấp bộ “Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật - Thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do TS Lê Thanh Kim làm Chủ nhiệm là Đề tài khoa học có ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn cao. Để góp phần cung cấp thêm thông tin, góc nhìn phục vụ quá trình triển khai nghiên cứu đề tài, TS Lê Hải Đường đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, khách quan và toàn diện vào nội dung của hội thảo liên quan đến vấn đề lý luận cũng như thực tiễn sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân, TS Lê Thanh Kim nêu rõ, từ khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến nay, việc sử dụng ngôn ngữ trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản luật, bộ luật ở nước ta đã được quan tâm, kỹ lưỡng hơn rất nhiều, theo đó chất lượng văn bản được bảo đảm, việc áp dụng, thi hành các văn bản pháp luật thuận lợi hơn, ít có những hiểu lầm, gây tranh cãi không đáng có.
Tuy nhiên, từ quy định đến việc thực hiện là không đơn giản. Thực tế, trong không ít văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn đó những “hạt sạn”, những vấn đề cần trao đổi về cách thức sử dụng ngôn ngữ.

Nhấn mạnh từ nghiên cứu đến ứng dụng, sử dụng ngôn ngữ học pháp luật nói chung và ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật nói riêng vẫn còn là một “địa hạt” cần nghiên cứu, khảo sát cụ thể và tường minh; cần thiết phải có những nghiên cứu trên cơ sở các kết quả phân tích, kết hợp tri thức ngôn ngữ học và luật học, TS Lê Thanh Kim cho biết, từ thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất đề tài “Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật - thực trạng và giải pháp hoàn thiện”.

Mục tiêu đặt ra của Đề tài là nghiên cứu và giải quyết các vấn đề từ góc độ lý luận, nhận thức đến thực tiễn về ngôn ngữ và việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật; khảo sát và đánh giá thực trạng sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay. Trên cơ sở lý luận và kết quả khảo sát, đánh giá việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật, Đề tài đưa ra các khuyến nghị, đề xuất các giải pháp, các nguyên tắc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới.

Hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật” được tổ chức là một trong những nội dung - “hợp phần” của nhiệm vụ khoa học mà nhóm nghiên cứu Đề tài đang thực hiện.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về: Những vấn đề lý luận liên quan đến ngôn ngữ học pháp luật nói chung và ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật nói riêng; quan điểm và kinh nghiệm về sử dụng ngôn ngữ trong văn bản pháp luật của một số quốc gia trên thế giới; ngôn ngữ học pháp luật và những yếu tố tác động đến việc sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật; ngôn ngữ học pháp luật và những vấn đề cần lưu ý trong dịch thuật các văn bản quy phạm pháp luật; thực trạng sử dụng ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện nay.

Các đại biểu cho rằng, văn bản pháp luật là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước và có tác động to lớn đến đời sống xã hội. Để bảo đảm vai trò này, các văn bản pháp luật được xây dựng với những yêu cầu chặt chẽ về cả nội dung lẫn hình thức. Trong đó, ngôn ngữ là yêu cầu cơ bản và có ý nghĩa thực tiễn không thể chối bỏ.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ pháp luật là hệ thống những từ ngữ và quy tắc kết hợp được Nhà nước sử dụng để thiết lập các văn bản pháp luật. Đó là phương tiện dùng để giao tiếp giữa chủ thể quản lý và đối tượng quản lý. Hiệu quả quản lý của văn bản pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào việc sử dụng ngôn ngữ.

Vì thế, các ý kiến cho rằng, trong văn bản pháp luật, xét về kỹ thuật lập pháp, yêu cầu ngôn ngữ là điều đương nhiên và bắt buộc. Nắm rõ được các đặc điểm chung về ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật chính là căn cốt để soạn thảo và thực thi các văn bản này.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, việc biểu đạt chính sách cần chính xác, đồng bộ, toàn diện, khả thi; đẩy mạnh giải thích luật để xác định rõ hơn nội hàm quy phạm; tăng cường vai trò của các nhà ngôn ngữ học tham gia vào hoạt động soạn thảo luật; bảo đảm nguyên tắc soạn thảo luật giản dị, sử dụng ngôn ngữ thông dụng trừ trường hợp bắt buộc phải sử dụng ngôn ngữ chuyên ngành…

V.T/Báo Tin tức
Chủ tịch Quốc hội: Tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp
Chủ tịch Quốc hội: Tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp

Sáng 7/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc làm việc với Ủy ban Kinh tế; Ủy ban Tài chính, Ngân sách; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về kết quả hoạt động của các cơ quan từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN