Theo ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ), các cuộc cải cách trong thời kỳ phong kiến Việt Nam nói chung và cải cách hành chính dưới triều Nguyễn nói riêng là vấn đề không mới.
Tại các diễn đàn học thuật cũng như chính trị, các cuộc cải cách của tiền nhân đã nhiều lần được đưa ra xem xét, đánh giá như những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc đổi mới trong giai đoạn hiện nay.
Sở dĩ vấn đề cải cách luôn được giới chính trị và cả các nhà khoa học quan tâm vì đây là một trong những điểm mấu chốt để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Một đất nước sẽ không thể phát triển nếu không có các cuộc cải cách, đặc biệt là cải cách hành chính nhà nước.
Ngược dòng lịch sử, mỗi một triều đại phong kiến hầu như đều có ít nhất một cuộc cải cách diễn ra. Nói về cải cách hành chính triều Nguyễn không thể không nhắc đến Hoàng đế Gia Long.
Ngay sau khi lập nước, ông đã định ra nhiều chính sách mới như: đặt quốc hiệu Việt Nam, đặt nghi thức thiết triều, đo đạc lập địa bạ trên toàn quốc, quy định trang phục, ấn triện, tiền tệ... mới hoàn toàn so với trước.
Đến đời vua Minh Mệnh, với bản tính của một người năng động, quyết đoán, mặc dù kế thừa sự nghiệp khá vững chắc của vua cha Gia Long, ông vẫn quyết tâm cải tổ bộ máy hành chính, quan ngạch, quân đội, khoa cử, thuế khóa… Đặc biệt, ông phân định lại toàn bộ địa giới hành chính cả nước tinh gọn và dễ kiểm soát hơn.
Vua Tự Đức ưu tiên sử dụng quan lại biết tiếng Pháp, mang hàng hóa tham dự đấu xảo quốc tế tại Pháp, áp dụng một số đề xuất canh tân của các nhà cải cách đương thời như Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ.
Vua Bảo Đại ngay sau khi chính thức nắm quyền điều hành đất nước đã lập tức xóa bỏ các nghi thức hủ tục trong triều, cải tổ nội các và các bộ, thay thế những quan lại bảo thủ bằng các học giả theo trường phái tân tiến, thay thế hệ thống văn bản hành chính cũ viết bằng chữ Hán Nôm bằng hệ thống văn bản kiểu mới viết bằng chữ quốc ngữ…
Ông Đặng Thanh Tùng cho rằng, cải cách là nhu cầu thiết yếu của mỗi giai đoạn lịch sử và cũng là khát vọng của những người đứng đầu đất nước. Tuy mỗi giai đoạn, nhà cầm quyền có những mục tiêu và phương thức khác nhau, nhưng đều hướng tới mong muốn chung là làm sao cho dân giàu, nước thịnh, xã hội ổn định, phồn vinh.
Để đạt được mục tiêu đó, việc củng cố, tinh lọc bộ máy hành chính, tuyển chọn, sử dụng nhân tài, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực nhà nước luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc minh quân.
Đề cập tới việc vận dụng những ưu điểm của cơ chế kiểm soát quyền lực của triều Nguyễn vào việc thực hiện kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng ở nước ta, ông Cao Văn Thống (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng, việc kiểm tra, giám sát các cơ quan hành chính và đội ngũ quan lại triều đại này đã thực hiện nghiêm túc nguyên tắc “trên dưới liên kết hợp đồng, trong ngoài kiềm chế lẫn nhau”, góp phần không nhỏ vào hoạt động hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước và các quan lại, hạn chế, ngăn ngừa lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tha hóa quyền lực.
Đặc biệt, triều Nguyễn kết hợp kiểm tra, giám sát từ bên ngoài với kiểm tra, giám sát từ bên trong rất hiệu quả, góp phần làm cho đội ngũ quan lại biết “tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tránh” để giữ mình liêm chính, làm tròn bổn phận, chức trách được giao.
Hiện nay, ở nước ta, việc kiểm tra, giám sát từ bên trong rất hạn chế thông qua tự phê bình, phê bình, kiểm điểm, đánh giá, nhận xét hàng năm nhưng nhiều nơi rất hình thức và cũng ít xử lý được trường hợp nào, ông Cao Văn Thống nhìn nhận.
Ông cho biết, Ban Tổ chức Trung ương đang xây dựng quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Quyền lực sẽ sinh ra tham nhũng. Hiện tạm phân ra 6 loại quyền lực: quyền lực chính trị “đẻ” ra chạy chức, chạy quyền; quyền lực lập pháp sinh ra cơ chế chạy chọt, xung đột lợi ích; quyền lực hành chính tạo cơ chế “xin - cho”; quyền lực kinh tế “đẻ” ra tham nhũng tài chính; quyền lực tư pháp thì liên quan đến chạy tội, chạy án, chạy thắng kiện, hai bên cùng thắng; quyền lực thông tin dẫn đến tình trạng “sáng đưa, trưa gặp, chiều gỡ”.
Cần nghiên cứu các cơ chế kiểm soát các dạng tha hóa quyền lực để có chế tài kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hiệu quả tổ chức, cá nhân lạm quyền, bóp méo quyền, chia sẻ quyền, thâu tóm, thao túng, ngăn quyền, chặn quyền, nhũng nhiễu trong bộ máy.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra từ nhiều năm nay. Trong khi thế giới đang có nhiều biến động, khó khăn, thì tại Việt Nam, nền kinh tế liên tục tăng trưởng trong 10 năm trở lại đây, đó là do những tác động mạnh mẽ của cải cách hành chính.
Thực tế cho thấy, cải cách hành chính hiệu quả, đất nước được ổn định. Đánh giá những dấu ấn cải cách của thời đại trước, rút ra bài học kinh nghiệm cho đương đại nhằm đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan những nội dung cải cách tinh thần để công tác cải cách hành chính đạt kết quả tốt hơn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều thừa nhận, đánh giá cao những thành tựu cải cách của triều Nguyễn, đặc biệt là cuộc cải cách hành chính dưới thời vua Minh Mệnh trên các lĩnh vực: cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, quan chế, chế độ văn thư hành chính…; phân tích sâu về Luật “hồi tị” - một chính sách ưu việt dưới thời phong kiến và triều Nguyễn trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước, hạn chế tham nhũng, tránh việc lợi dụng mối quan hệ cá nhân để tư lợi.