Theo lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, đây là trưng bày lần đầu tiên giới thiệu đầy đủ nội dung và có hệ thống về kim sách triều Nguyễn - một “di sản văn hóa” vô cùng đặc biệt.
Cuốn sách vàng chế tác năm Gia Long thứ 5 (1806) có trọng lượng 2,1kg. |
Kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945) là một loại thư tịch cổ đặc biệt, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích... Các cuốn kim sách được chế tác từ các kim loại quý, bằng vàng và bạc mạ vàng, khâu chế tác thời bấy giờ được giao cho Bộ Lễ (tên gọi một cơ quan hành chính thời phong kiến) thực hiện. Hình dạng kim sách làm theo khổ chữ nhật đứng, bìa trước, sau trang trí hình rồng 5 móng hoặc hình phượng, hay hình rồng bay trong mây, gáy đóng 4 khuyên tròn.
Nội dung do đích thân các hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích... Sự ra đời, mục đích và nội dung của từng cuốn kim sách hầu hết được ghi chép lại trong các cuốn “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”... do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn.
Theo nhận xét của các chuyên gia và các nghiên cứu khảo cổ, hệ thống kim sách hiện đang lưu giữ được là những bảo vật được chế tác rất tinh xảo đạt đến trình độ cao về mặt mỹ thuật và kỹ thuật. Trong đó đáng chú ý là cuốn kim sách chế tác vào năm 1806, năm thứ 5 đời vua Gia Long - vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn với trọng lượng 2,1kg... được làm rất tinh xảo và lưu truyền qua các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức...
Mỗi quyển kim sách không những chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa của một triều đại trong quá khứ; mà còn là một di sản vật thể vô giá. Đáng chú ý, nhiều quyển kim sách trong sưu tập có kèm theo kim bảo được đúc trong cùng thời điểm, cùng sự kiện. Kim bảo hay kim bảo tỷ là loại ấn được đúc bằng vàng, bằng bạc, hay bạc mạ vàng biểu trưng cho quyền lực tối cao của vương triều.
Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, thời nhà Nguyễn, vua thường ban tặng kim sách (sách bằng vàng), ngân sách (sách bằng bạc) cho những người có công trạng lớn với đất nước, triều đình; số lượng kim sách, ngân sách vì thế rất lớn. Tuy nhiên, năm 1862, sau khi để mất 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ vào tay thực dân Pháp và phải ký Hòa ước Nhâm Tuất, triều Nguyễn đã huy động rất nhiều vàng bạc và các cổ vật để đền trả số chiến phí 4 triệu piastre (đơn vị tiền tệ 3 nước Đông Dương thời thuộc địa Pháp) được quy đổi thành 2.880.000 lạng bạc cho Pháp.
Thời điểm đó, nhà vua cũng đã yêu cầu in một loạt đồng sách đổi lấy kim sách để trả cho Pháp; chính vì vậy, số kim sách còn lại rất ít. Đến nay đa phần hậu thế chỉ được biết tới những bảo vật này qua sách vở và gắn với những câu chuyện đậm màu sắc huyền bí về một triều đại đã qua. Chính vì vậy, triển lãm lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp công chúng có thể có những hiểu biết nhất định về một trong những cổ vật thời xưa.