Hội sẽ bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân về đất đai

Sở dĩ người nông dân khiếu kiện trong việc thu hồi đất vì một số chính quyền ở cơ sở thực hiện dân chủ chưa tốt, có biểu hiện không cân bằng lợi ích, thiên về lợi ích nhóm hoặc thiên vì doanh nghiệp.

 

Chú thích ảnh
Ông Thào Xuân Sùng tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: H.V

Ông Thào Xuân Sùng, vừa tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) với số phiếu bầu tuyệt đối 100%. Bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, tân Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã trả lời báo chí về các vấn đề khó khăn mà nông dân đang gặp phải, cần sự trợ giúp của Hội Nông dân. 

Vừa qua, tại một địa phương nổi lên tình trạng thu hồi đất, nông dân khiếu kiện đất đai kéo dài, tuy nhiên vai trò bảo vệ hội viên của HND chưa rõ ràng. Vậy trong nhiệm kỳ tới HND sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người nông dân, thưa ông?
 

Về vấn đề này, tôi thấy rất rõ có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Sở dĩ người nông dân khiếu kiện trong việc thu hồi đất vì một số chính quyền ở cơ sở thực hiện dân chủ chưa tốt, có biểu hiện không cân bằng lợi ích, thiên về lợi ích nhóm hoặc thiên về doanh nghiệp, vì thu hút đầu tư nên quên đi lòng dân. Họ chỉ nhớ đến giá trị khu đất đó, họ trả tiền cho người nông dân để doanh nghiệp khai thác khu đất đó. Đây là hạn chế của một bộ phận chính quyền địa phương.

Chính vì, thế tại đại hội này, báo cáo chính trị cũng đã đề cập đến vấn đề này. Có 3 nhóm giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, trong hoạt động tư vấn hỗ trợ, HND sẽ làm tốt công tác tuyên truyền vận động để hội viên nông dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra giám sát trong quá trình thu hồi đất.
Nếu người nông dân được biết, được làm, được bàn, được kiểm tra ngay từ đầu thì không có công chức nào dám làm điều xấu. Vụ việc đất Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ, người nông dân nghèo trải qua 40 năm chưa giải quyết được, điều đó chứng tỏ cán bộ không nghĩ đến lợi ích dân nghèo.

Để nông dân tự chủ, HND phải tuyên truyền vận động để nông dân biết đầy đủ chủ trương, chính sách về pháp luật, nông dân phải được biết, được làm, được bàn, được kiểm tra ngay từ đầu.

Ví dụ di dân công tình thủy điện Sơn La, tỉnh chỉ đạo không thể thu hồi sổ đỏ của dân, sổ đỏ dân giữ, 1 ha đất nương thu hồi của dân có trị giá 10 triệu đồng, coi như người nông dân đóng 10 triệu, doanh nghiệp phải ghi cổ phần cho nông dân, đồng thời tỉnh Sơn La hỗ trợ thêm cho nông dân 10 triệu đồng nữa, vì vậy nông dân không bức xúc khiếu kiện vì dân biết từ đầu.

Thứ hai, HND phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để làm chặt chẽ thủ tục thu hồi đất.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra giám sát phản biện xã hội của HND, trước hết ở Ban chấp hành HND các cấp để phát huy những mặt tốt, đồng thời báo cáo cấp ủy, chính quyền để phòng ngừa sai phạm ngay từ đầu để không xảy ra bức xúc. 

Với 3 giải pháp đó tôi hi vọng sẽ hạn chế thấp nhất những sai sót của chính quyền địa phương để người nông dân không bức xúc, khiếu kiện.

Trong thời gian vừa qua, ở nông thôn, nông dân còn gặp nhiều khó khăn, nổi cộm nhất là về vốn, đất đai..., vậy HND Việt Nam có giải pháp gì để giúp đỡ bà con, hội viên?

Những vấn đề nổi cộm của nông dân trong thời gian vừa qua đều được BCH HND khóa VI thấy rõ và trình ra Đại hội để lấy ý kiến, góp ý của các đại biểu. Đặc biệt là vấn đề tháo gỡ khó khăn về vốn, dạy nghề, đất đai... đều được các đại biểu bàn luận sôi nổi và có nhiều góp ý hay, chính đáng.

Trong nhiệm kỳ 5 năm tới, với cương vị BCH khóa mới, chúng tôi sẽ tập trung vào 3 giải pháp chính để tháo gỡ khó khăn cho hội viên, nông dân.

Thứ nhất là HND các cấp sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của dân, phải biết dựa vào dân và biết làm có trách nhiệm với hội viên, nông dân hơn. Để làm điều này, đòi hỏi các cán bộ Hội phải thay đổi phương pháp, tư duy làm việc để phục vụ hội viên, nông dân của mình tốt hơn.

Thứ hai là các cấp Hội phải đổi mới phương thức, phương pháp tư vấn, hỗ trợ dịch vụ và dạy nghề cho hội viên, nông dân. Từ phương thức cũ phải chuyển sang phương thức mới là tập huấn, hướng dẫn thực hành trong quá trình thực tế.

Thứ ba là trong thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội sửa đổi Luật đất đai và nới hạn điền để bà con yên tâm sản xuất quy mô lớn.

Riêng việc tháo gỡ khó khăn về vốn của bà con thì trong thời gian vừa qua, Hội đã làm việc với Chính phủ và các ngân hàng, trong thời gian tới sẽ sớm tháo gỡ được. 

Ngoài ra, để nông dân gặp khó khăn về sản xuất cũng do năng lực cán bộ tại cơ sở còn hạn chế, yếu kém. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội sẽ tập trung đầu tư cho cơ sở, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ này làm việc hiệu quả hơn.

Đại hội đã bầu ra 119 Ủy viên BCH khóa VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023. Vậy so với nhiệm kỳ trước, đội ngũ Ủy viên BCH khóa VII có gì khác và đáp ứng như thế nào đối với yêu cầu về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế?

Thứ nhất, đội ngũ ủy viên BCH Trung ương HND khóa VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 cơ bản kế thừa những mặt mạnh, ưu điểm của khoá trước và bổ sung phát triển nhân tố mới để đáp ứng chỉ tiêu do Đại hội VII đề ra.

Đại hội đã bầu đủ Ủy viên BCH, Ban Thường vụ Trung ương HND có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ để đảm đương nhiệm vụ do Đại hội giao phó. Đặc biệt 999 đại biểu dự Đại hội gửi gắm niềm tin vào 119 Ủy viên BCH, 21 ủy viên Ban Thường vụ và 6 đồng chí lãnh đạo Thường trực Trung ương HND khóa VII. 

Thứ hai, Đại hội lần này nhấn mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội trong sạch, vững mạnh, (trước đây chỉ vững mạnh). Cán bộ HND phải đứng ra làm trọng tài trong những mâu thuẫn xảy ra đối với nông dân. 

Điểm mới thứ 3 nữa là Điều lệ HND Việt Nam và báo cáo chính trị tại Đại hội khóa VII khẳng định việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân là nhiệm vụ tối cao của HND Việt Nam. HND Việt Nam sẽ có cơ chế giám sát việc thực hiện, nếu cán bộ Hội nào không đảm nhận nhiệm vụ tốt có thể thay thế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

H.V/Báo Tin tức (ghi)
Ông Thào Xuân Sùng tái đắc cử Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam
Ông Thào Xuân Sùng tái đắc cử Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam

Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI, đã tái đắc cử chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) với số phiếu bầu tuyệt đối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN