Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai gửi, nhận văn bản điện tử

Ngày 15/11, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Chú thích ảnh
 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng  Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan, đến nay, 95/95 bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia. Văn phòng Chính phủ đang triển khai kết nối tới Văn phòng Quốc hội phục vụ gửi, nhận tài liệu, thông tin phục vụ các cuộc họp Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; triển khai thử nghiệm kết nối tới một số doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.

64 bộ, ngành, địa phương phát sinh gửi, nhận văn bản điện tử 3 cấp chính quyền (cấp vụ, cục, sở, ngành, quận, huyện), trong đó có 1.200 sở, ngành, quận, huyện đã kết nối thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Từ ngày 12/3 đến ngày 12/11/2019, có tổng số 163.107 văn bản gửi và 488.165 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

Về bảo đảm an toàn, an ninh, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai 87 máy chủ bảo mật dùng chung và dùng riêng có tích hợp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ phục vụ mã hóa, xác thực các gói tin liên thông văn bản giữa các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương với Trục liên thông văn bản quốc gia. Công tác giám sát an toàn thông tin mạng cho Trục liên thông văn bản quốc gia được Văn phòng Chính phủ đặc biệt quan tâm, thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an trong việc kiểm tra, đánh giá an ninh thiết bị công nghệ thông tin cũng như phần mềm của Trục liên thông văn bản quốc gia; phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc giám sát điểm truy cập Trục liên thông văn bản quốc gia tại Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin – Truyền thông trong giám sát an toàn thông tin cho Trục liên thông văn bản quốc gia tại Trung tâm dữ liệu Nam Thăng Long. Công tác tập huấn nâng cao kỹ năng bảo vệ các hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của các bộ, ngành, địa phương cũng được tăng cường.

Theo thống kê của Ban Cơ yếu Chính phủ, hiện đã cung cấp trên 220.000 chứng thư số cho 95 đầu mối (bao gồm Văn phòng Trung ương Đảng, 31 bộ, cơ quan ngang bộ, 63 địa phương) và 351 chứng thư số cho lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh. Về triển khai tích hợp chữ ký số, có 89/95 bộ, ngành, địa phương đã tích hợp, còn Đài tiếng nói Việt Nam, Ban Quản lý Lăng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tỉnh Bạc Liêu, Hải Dương chưa tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã hoàn thiện trục liên thông nội bộ và đang thực hiện việc kết nối với các đơn vị sự nghiệp, phát triển hệ thống ký số trên thiết bị di động. Bộ phấn đấu hoàn thành việc gửi, nhận văn bản điện tử đối với tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ và đơn vị sự nghiệp trước thời điểm tháng 6/2020.

Còn theo đại diện tỉnh Quảng Ninh, hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh đi vào hoạt động từ năm 2016, tạo sự kết nối liên thông 4 cấp từ Văn phòng Chính phủ đến cấp xã. Đến nay, cả hệ thống chính trị trong tỉnh đều thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử, trở thành tỉnh đi đầu toàn quốc trong hoạt động này. Tỉnh đã được Ban Cơ yếu Chínhphủ cấp trên 1.000 chứng thư số cho tổ chức. Trên 70% cơ quan đã đưa chữ ký số vào gửi, nhận văn bản điện tử. Quảng Ninh đã hoàn thành kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ cho việc gửi, nhận văn bản điện tử với 2.512 đơn vị thuộc 4 cấp chính quyền, có trên 6.000 văn bản điện tử được nhận qua Trục liên thông và gửi đi trên 1.720 văn bản. Tính từ năm 2015 đến nay, có trên 7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận. 

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, tính đến nay, Thành phố đã kết nối liên thông với khoảng 800 đơn vị, khoảng 5 triệu văn bản điện tử đã được gửi, nhận. Thành phố đã tiến hành cập nhật mã định danh cho các đơn vị trên nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu và phần mềm quản lý văn bản hồ sơ. Từ1/1/2019 đến nay, toàn Thành phố đã thực hiện gửi và nhận trên 1,026 triệu văn bản điện tử. Gần như tuyệt đối các văn bản điện tử đã được gửi, nhận đều sử dụng chữ ký số chuyên dùng. Việc triển khai họp không giấy tờ, không sử dụng thư mời, các văn bản giấy đã góp phần tiết kiệm rất lớn về mặt kinh tế cho Văn phòng UBND thành phố.  

Ông Trần Vĩnh Tuyến bày tỏ mong muốn Chính phủ cho phép thành phố được thực hiện thí điểm việc triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên các thiết bị di động thông minh và thực hiện đề án số hóa song song với đề án của Chính phủ. Cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông vào việc tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là rất cần thiết, tuy nhiên, nếu triển khai đấu thầu theo Luật Đầu tư công sẽ rất khó khăn, ông Trần Vĩnh Tuyến đề nghị Chính phủ tổ chức hội nghị bàn chuyên sâu về giải pháp thực hiện, để việc triển khai đúng chủ trương, quyết liệt, thành công nhưng vẫn tuân thủ pháp luật về đầu tư và sử dụng ngân sách nhà nước.

Cho biết Hà Nội đang kết nối trực tuyến với 584 xã, phường, thị trấn, hơn 30 quận, huyện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý thông tin địa phương này đã thực hiện gửi 615/693 văn bản điện tử áp dụng chữ ký số.  

Bên cạnh các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt, cũng còn không ít nơi triển khai chậm, chẳng hạn như Vĩnh Phúc. Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, đến nay mới có 67% văn bản được thực hiện gửi, nhận trên môi trường mạng. Nguyên nhân là do tỉnh này đang trong quá trình đầu tư hoàn thiện hệ thống phần mềm để tạo sự kết nối liên thông, song, khi triển khai các hạ tầng kỹ thuật, thủ tục về hành chính, đầu tư công khá chậm nên rất vất vả trong việc vận dụng để thực hiện.

"Chúng tôi nhận khuyết điểm về việc triển khai chậm. Chúng tôi sẽ báo cáo tỉnh ủy, tập thể UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới. Khi đã có hạ tầng, quy chế và các điều kiện cần thiết, sẽ triển khai đồng bộ cả 4 cấp", ông Thành nói.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho biết còn không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai như thiếu hành lang pháp lý cho việc lưu trữ hồ sơ điện tử. Một số đơn vị vẫn phải xử lý song song cả văn bản điện tử và văn bản giấy, do đó phát sinh khối lượng lớn công việc. Việc gửi nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia còn chưa thống nhất về thể thức, cách thức thực hiện.

Giải đáp các ý kiến, Cục trưởng Cục Văn thư – Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ Đặng Thanh Tùng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương có khó khăn trong tổ chức thực hiện phần lớn đều do các phần mềm, hệ thống quản lý văn bản và điều hành được xây dựng từ trước và về mặt kỹ thuật chưa kịp đáp ứng yêu cầu nên những nội dung liên quan đến ký số chưa được tổ chức thực hiện tốt. Hợp phần quy định lưu trữ tài liệu điện tử chưa được quy định cụ thể. 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, số hóa thay lưu trữ hồ sơ bằng giấy là vấn đề tất yếu, là một hợp phần trong xây dựng Chính phủ điện tử, nếu cơ quan hành chính nhà nước làm không tốt sẽ không đảm bảo các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Quyết định 28 đã thực hiện đúng hướng, làm thay đổi nhận thức ở các bộ, cơ quan, địa phương, thay đổi cách tư duy tiếp cận theo hướng công khai, minh bạch, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ông đánh giá cao các bộ, cơ quan đã ban hành các văn bản cần thiết để triển khai nhiệm vụ này. Dẫn con số Quảng Ninh đã có gần 7 triệu văn bản gửi, nhận điện tử từ cấp tỉnh, đến xã, phường, mỗi năm tiết kiệm gần 40 tỷ đồng từ việc số hóa, Bộ trưởng cho rằng đó là tiền đề tiếp tục đi sâu vào thành công của Chính phủ điện tử.

Theo Bộ trưởng, còn nhiều vấn đề cần bổ sung, hoàn thiện đồng bộ, trong đó có thiết chế về mặt pháp lý. Thủ tướng đang chỉ đạo các cơ quan trong năm 2019 phải hoàn thiện nghị định về kết nối chia sẻ, về xác định định danh, bảo mật thông tin cá nhân, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, sửa đổi Nghị định 110/NĐ-CP (về công tác văn thư), hướng tới lưu trữ điện tử, hồ sơ điện tử phải có giá trị pháp lý tương đương như văn bản truyền thống... Sẽ tiếp tục gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp, không có văn bản giấy kèm theo. Hồ sơ này phải được số hóa, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về nền tảng hạ tầng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ cùng các cơ quan liên quan, tổ chuyên gia tư vấn, chuyên gia trong nước và nước ngoài hoàn thiện theo hướng quản trị thông minh, hiện đại hóa cơ quan hành chính nhà nước. 

Đánh giá còn một số bộ, địa phương làm chưa tốt, tỷ lệ phát hành hồ sơ điện tử rất ít, chủ yếu văn bản giấy, Bộ trưởng cho rằng, vai trò người đứng đầu rất quan trọng, khi người đứng đầu quyết liệt thì công việc sẽ chạy. Ông đề nghị cán bộ thực thi xử lý tham mưu giúp lãnh đạo thực hiện ký số và tăng cường phát hành văn bản điện tử. Bộ trưởng cũng đề nghị các nhà mạng, doanh nghiệp tư nhân giỏi giúp các địa phương xây dựng nền tảng hạ tầng kỹ thuật, việc này được thực hiện trên cơ sở xã hội hóa, chuyển từ phương thức mua sang phương thức thuê các nhà mạng từ thiết kế quy trình, đến đảm bảo an toàn hệ thống. Bởi, nếu thực hiện theo thủ tục đầu tư công sẽ rất khó và chậm. Bộ trưởng cũng nêu rõ, các thiết bị ứng dụng là vấn đề rất quan trọng, liên quan đến bảo mật thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu, do vậy cần sử dụng hệ thống an toàn nhất, có sự kiểm tra của cơ quan chức năng.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Thí điểm không gửi bản giấy 21 loại văn bản điện tử đã ký số
Thí điểm không gửi bản giấy 21 loại văn bản điện tử đã ký số

Các bộ, ngành, địa phương thí điểm không gửi văn bản giấy đối với 21 loại văn bản điện tử đã ký số. Thời gian thực hiện thí điểm từ nay đến hết ngày 10/5/2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN