Tham dự hội nghị có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Trần Quốc Dũng; đại diện các Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trung và Nam Lào; Lãnh đạo Tổng hội, Thành hội người Việt Nam tại Lào; hơn 60 đại biểu là đại diện các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán, đại diện các chi hội và câu lạc bộ cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cho biết sau khi có thông báo về việc chính phủ ban hành Nghị định số 102 dành cho đối tượng là người Việt Nam có công đang định cư ở nước ngoài và Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định.
Đại sứ quán và các cơ quan Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Lào đã triển khai phổ biến, thông tin tuyên truyền về chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đến với bà con cộng đồng người Việt Nam tại Lào, thông qua các tổ chức hội đoàn cộng đồng trên toàn nước Lào - đối tượng được thụ hưởng từ chính sách nhân văn cao cả “uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh đây là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc triển khai lần đầu tiên với đối tượng là bà con đang làm ăn, định cư ở nước ngoài nên sẽ rất khó khăn và phức tạp, nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ để dễ triển khai thực hiện trong thực tế cuộc sống.
Vì vậy, hội nghị này với sự tham dự của Đoàn liên Bộ Quốc phòng, Ngoại giao và Lao động, thương binh và xã hội do Thiếu tướng Trần Quốc Dũng, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng đoàn sẽ giúp cung cấp cho bà con cộng đồng người Việt Nam tại Lào không chỉ đơn thuần là những thông tin, những nội dung quan trọng về chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở Lào, mà còn phải đưa ra những hướng dẫn cho bà con một cách cụ thể, chi tiết, đơn giản hóa vấn đề, dễ làm trong hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giấy tờ pháp lý… để được các cơ quan chức năng xem xét, thẩm định, giải quyết theo tinh thần của Nghị định 102 ngày 20/7/2018 của chính phủ.
Đồng thời, chỉ rõ cách thức tổ chức triển khai thực hiện trong giải quyết chế độ, chính sách và sự phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan, giữa Đại sứ quán Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam với các cơ quan trong nước, mà đầu mối là Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm đưa Nghị định và Thông tư đi vào thực tế cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con cộng đồng người Việt Nam tại Lào.
Phó phòng Nghiên cứu kế hoạch tổng hợp, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Vũ Công Thành phát biểu cho biết Hội nghị nhằm phổ biến, thống nhất triển khai thực hiện một số nội dung cơ bản về chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 20/7/2018 của chính phủ và Thông tư số 170/2018/TT-BQP ngày 16/12/2018 của Bộ trưởng Quốc phòng; nhấn mạnh, hội nghị giúp bà con cộng đồng người Việt Nam tại Lào hiểu và nắm vững những nội dung cơ bản về đối tượng, điều kiện áp dụng; các nội dung quy định về chế độ, chính sách; thủ tục hồ sơ; thẩm quyền trách nhiệm và quy trình giải quyết chính sách, làm cơ sở cho việc tuyên truyền, phổ biến chính sách đến đối tượng và chỉ đạo hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, hiệu quả, đúng chế độ, chính sách theo quy định.
Theo kết quả nghiên cứu, khảo sát và báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của Bộ Ngoại giao, số lượng người Việt Nam có công định cư ở nước ngoài khoảng 40.000 người, trong đó khoảng 29.600 người còn sống (74%) và đã qua đời khoảng 10.400 người (26%). Trong đó, người có công với cách mạng bị dừng hưởng khoảng 100 người (số còn sống khoảng 60 người); người tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế khoảng 39.700 người (còn sống khoảng 29.400 người và đã qua đời khoảng 10.300 người).