Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã cụ thể hóa thành đề án, kế hoạch và hướng dẫn cụ thể; phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng chỉ đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, về cơ bản đã đạt được mục đích, yêu cầu của Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đề ra.
Đến nay, đã hoàn thành Đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh (Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành Đại hội vào giữa tháng 9/2024).
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, cùng với việc hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và phối hợp chỉ đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tiểu ban đã chủ động, tích cực chuẩn bị: Báo cáo chính trị, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Điều lệ, đề án nhân sự, công tác tuyên truyền, các điều kiện khác để tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X.
Dự thảo Báo cáo chính trị đã được xin ý kiến rộng rãi trong hệ thống Mặt trận và ngoài hệ thống Mặt trận, báo cáo cấp có thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo. Tiểu Ban văn kiện và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý. Đến nay, cơ bản đã hoàn thiện, tại cuộc họp này sẽ trình Đoàn Chủ tịch xin ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trình cuộc họp Ủy ban vào sáng ngày 5/9/2024, tiếp thu ý kiến hoàn thiện lần cuối để trình Đại hội.
Về nhân sự của Đại hội, Tiểu ban nhân sự và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xây dựng đề án về số lượng Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ cấu, thành phần, địa bàn cư trú, lĩnh vực hoạt động... bước đầu đã lập danh sách cụ thể. Đề án đã được trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến chỉ đạo chung.
Ban Thường trực và Tiểu ban nhân sự đã chuẩn bị một bước cơ bản về nhân sự Cơ quan chuyên trách của Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực. Tại Hội nghị này, sẽ xin ý kiến Đoàn Chủ tịch để tiếp thu, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo để trình Đại hội.
Về nghiên cứu sửa đổi Điều lệ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tiểu ban đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết thực tiễn, đề xuất sửa đổi 3 nội dung trong Điều lệ để phù hợp với các quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tế, nâng cao thực chất vị thế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà, đã trình bày Tờ trình xin ý kiến về nội dung một số dự thảo văn bản trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024- 2029.
Về quá trình xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ: Từ tháng 7/2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động triển khai các bước xây dựng từ dự thảo đề cương đến các lần dự thảo thảo Báo cáo chính trị, bảo đảm đúng nội dung và tiến độ của kế hoạch đề ra. Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 18, 19 và Hội nghị Ủy ban Trung ương lần thứ 9, đã cho ý kiến đối với các dự thảo Báo cáo chính trị.
Quá trình xây dựng, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị được tiến hành bài bản, công phu, khoa học, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, nhiều bước, nhiều vòng qua các lần dự thảo và đã nhận được hàng ngàn lượt ý kiến tham gia.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nghiêm túc rà soát, nghiên cứu để tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia đối với dự thảo Báo cáo chính trị, ưu tiên kế thừa và phát huy những điểm nổi trội, cơ bản của báo cáo chính trị nhiệm kỳ trước, đồng thời tiếp tục đổi mới, trên cơ cở cập nhật chủ trương, quy định mới của Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đánh giá, đề xuất về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ tới cố gắng bám sát, bảo đảm phù hợp với bối cảnh tình hình và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Tờ trình báo cáo, trình Ban Bí thư cho ý kiến về Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tại phiên họp ngày 16/8/2024, Ban Bí thư đã thống nhất ghi nhận, đánh giá cao việc Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thành công đại hội Mặt trận các cấp; chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, chu đáo nội dung các văn kiện, đề án nhân sự, chương trình Đại hội, các yếu tố bảo đảm khác để tổ chức Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X và cơ bản nhất trí nội dung báo cáo và đề xuất, kiến nghị tại Tờ trình.
Về nội dung Báo cáo chính trị, bà Nguyễn Thị Thu Hà thông tin: Trên cơ sở bám sát chủ trương của văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, tiếp tục kế thừa và phát huy những điểm cơ bản, nổi trội của Báo cáo chính trị tại Đại hội nhiệm kỳ 2019 - 2024, đánh giá sâu sắc tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả thực hiện 5 Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Theo đó, dự thảo Báo cáo Chính trị có 4 điểm mới.
Thứ nhất, bổ sung đánh giá kết quả thực hiện một số nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện trách nhiệm, sự sáng tạo, kịp thời của hệ thống Mặt trận, chưa được đề ra trong nội dung Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024 như: Tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19; Triển khai Đề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên; Xây dựng, xuất bản Cuốn sách “Phát huy truyền thống Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thứ hai, bổ sung nội dung nhận định, đánh giá khái quát quá trình 40 năm đổi mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo đường lối của Đảng.
Thứ ba, xây dựng phương hướng, mục tiêu nhiệm kỳ 2024 - 2029 theo hướng cụ thể, chi tiết, khả thi; đồng thời, bổ sung một số chỉ tiêu của nhiệm kỳ theo hướng định lượng rõ rệt.
Thứ tư, Chương trình hành động nhiệm kỳ 2024 - 2029 gồm 6 chương trình. Trong đó, tiếp tục kế thừa và phát huy 05 chương trình hành động nhiệm kỳ 2019 - 2024, bổ sung Chương trình mới: Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Việc xây dựng Chương trình mới nhằm thực hiện yêu cầu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn khu dân cư, được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 43 -NQ/TWcủa Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, bố cục dự thảo Báo cáo chính trị chia thành hai phần: Phần thứ nhất: Tình hình khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kết quả thực hiện chương trình hành động đại hội IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệm kỳ 2019 - 2024; Phần thứ hai: Phương hướng, Mục tiêu và Chương trình hành động Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029. Ngoài phần nội dung Báo cáo chính (36 trang), báo cáo kèm theo phần phụ lục.