Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) họp từ ngày 18 đến ngày 20/9/2024 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị diễn ra trong 3 ngày nhưng làm thêm cả buổi tối để dành thời gian cho lãnh đạo các cấp, đặc biệt là các địa phương phía Bắc tập trung vào việc khắc phục hậu quả bão số 3, lũ lụt, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm, dân chủ, đặc biệt là sự đóng góp rất tâm huyết của các Ủy viên Trung ương Đảng, các lãnh đạo cơ quan, đơn vị nhưng không phải là Ủy viên Trung ương tham dự hội nghị, Hội nghị Trung ương 10 đã tập trung thảo luận nhiều nội dung, trong đó dành nhiều thời gian thảo luận các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV.
Cụ thể, Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; dự thảo Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. Hội nghị cũng thảo luận về dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030; Báo cáo tổng kết thực hiện quy chế bầu cử trong Đảng ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế bầu cử trong Đảng; dự thảo Tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) và phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIV).
Hội nghị cho ý kiến nội dung giới thiệu quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư (khóa XIV), nhiệm kỳ 2026 - 2031; bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIV), nhiệm kỳ 2026 - 2031; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2025-2027; chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và một số nội dung quan trọng khác.
Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận, cơ bản tán thành kết cấu và những nội dung chính của dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIV; phân tích, nhấn mạnh, làm sâu sắc thêm ý nghĩa, chủ đề của Đại hội XIV; khẳng định dự thảo báo cáo chính trị có nhiều nội dung mới, điểm nhấn khác biệt so với Đại hội XIII, mang tầm chiến lược, lịch sử, có tính chất cương lĩnh để thực hiện trong giai đoạn tới; đánh dấu mốc quan trọng đặc biệt cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với yêu cầu của thời đại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam… Ban Chấp hành Trung ương thông qua nội dung cơ bản các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV gồm: Dự thảo báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; dự thảo Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026-2030. Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị căn cứ ý kiến thảo luận của Trung ương, báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị để chỉ đạo các tiểu ban hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện trên.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350km/h) trên trục Bắc - Nam, giao Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cán bộ, giảng viên của Học viện nghiên cứu sâu 2 bài phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 10 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Đây là những thông điệp rất quan trọng, thể hiện tầm nhìn của người đứng đầu Đảng, Nhà nước ta, trong đó nổi bật là Việt Nam đang bước vào thời đại mới, kỷ nguyên mới, lấy khoa học công nghệ làm động lực chủ yếu và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; với quan điểm xuyên suốt là phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế, xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường; xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thông tin thêm về công tác xây dựng văn kiện Đại hội XIV của Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết, Học viện đã chuẩn bị trên 25 báo cáo, đóng góp ở các chiều cạnh khác nhau, đặc biệt là dự thảo báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới. Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Học viện tiếp thu, nghiên cứu kỹ các nội dung đã thống nhất tại Hội nghị Trung ương 10; xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù từng đơn vị.