Đây là nhận định được Tiến sĩ Ruvislei González Saez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại La Habana.
Tiến sĩ Ruvislei González Saez đánh giá những quan điểm được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trình bày khi đề cập tới đường lối đối ngoại cho thấy tính liên tục của chiến lược phát triển trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đồng thời xác định đâu là nhân tố quan trọng nhất đối với quan hệ song phương và sự cần thiết phải tăng cường ngoại giao đa phương. Cách tiếp cận này không mâu thuẫn với các nguyên tắc “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước” và chính sách “4 không”. Việc tiếp tục đường lối ngoại giao này sẽ mang lại cho thế giới niềm tin vào việc chuyển tiếp, chuyển giao quyền lực một cách tự nhiên, điều đó quyết định sự ổn định chính trị của Việt Nam và đây là yếu tố rất quan trọng đối với hình ảnh đất nước, cũng như môi trường kinh doanh.
Theo Tiến sĩ Ruvislei, từ Đại hội VII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam. Vì vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược. Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng thể hiện tầm quan trọng của tính minh bạch trước xã hội.
Học giả Cuba đánh giá thế giới ngày nay đang phải đối mặt với những thách thức sâu sắc bắt nguồn từ sự đối đầu giữa các cường quốc, xung đột và bất ổn toàn cầu ảnh hưởng đến chuỗi giá trị và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Trước kịch bản này, Việt Nam đã đề xuất đẩy mạnh chiến lược phát triển được nêu trong các văn kiện Đại hội XIII. Ông đánh giá Việt Nam có đủ điều kiện để đạt được các mục tiêu của mình và trên hết là đạt đến những giai đoạn phát triển mới. Những chuyển đổi được thực hiện và sự ổn định ở Việt Nam cho phép đất nước tiếp tục nhận được các khoản đầu tư đáng kể, cũng như chuyển đổi cơ cấu sản xuất.
Tiến sĩ Ruvislei bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể tiến tới trở thành một nước có thu nhập trung bình cao và là một trong những nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, thậm chí có thể trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035 hoặc sớm hơn.