Tháng 9/2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức Singapore theo lời mời của Thủ tướng, Tổng Thư ký đảng Hành động Nhân dân Singapore Lý Hiển Long. Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm Trường Chính sách công Lý Quang Diệu và có bài phát biểu quan trọng với chủ đề “Vì một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển”, được đánh giá rất cao.
Từng vinh dự và tự hào khi được đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS. TS) Vũ Minh Khương, một giảng viên người Việt kỳ cựu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, đã vô cùng ấn tượng trước sự khiêm nhường và sâu sắc của Tổng Bí thư. Tổng Bí thư chuẩn bị rất kỹ và phát biểu thấu tình, đạt lý, để các bạn Singapore và quốc tế hiểu Việt Nam hơn, để khẳng định Việt Nam rất trân trọng và mong muốn học hỏi những kinh nghiệm của Singapore trên chặng đường đi đến phồn vinh.
Chia sẻ kỷ niệm khó quên với phóng viên TTXVN tại Singapore về Tổng Bí thư, PGS. TS Vũ Minh Khương nhớ lại: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng đáp rất nhanh và rất hay trước các câu hỏi vô cùng hóc búa, chẳng hạn như Việt Nam ứng xử thế nào với Trung Quốc”. Ông nhớ mãi câu trả lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng Việt Nam và Trung Quốc đã sống cạnh nhau hàng nghìn năm, và có 3 điểm sẽ đưa hai nước hướng tới mối quan hệ rất tốt đẹp trong tương lai, đó là sự chân tình, sự thông tuệ và luôn hướng về tương lai.
Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng trường một bức tranh có tính thông điệp rất cao, khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc có truyền thống văn hiến ngàn đời, để lại rất nhiều ấn tượng với các giảng viên của trường. Bức tranh hiện đang được treo tại một vị trí trang trọng, ngay cạnh phòng của Hiệu trưởng.
Từng có nhiều cơ hội được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS. TS Vũ Minh Khương bày tỏ ông không bao giờ quên ánh mắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi Tổng Bí thư đề xuất rằng Việt Nam phải đặt ra mục tiêu tới năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 2045 - kỷ niệm 100 năm Việt Nam độc lập, để trở thành quốc gia phát triển, đứng ngang hàng với các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Ông Vũ Minh Khương xúc động hồi tưởng: “Tôi nhìn thấy ánh mắt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, và ánh mắt đó là ánh mắt của một người đồng chí, của một người trong gia đình, và ánh mắt của một người lãnh đạo có trách nhiệm rất cao". Ánh mắt đó khiến ông cảm thấy rất gắn bó, tin rằng những di sản mà Tổng Bí thư để lại cho thế hệ lãnh đạo ngày hôm nay rất lớn, không phải chỉ là những công việc cụ thể, mà là một tầm nhìn đưa Việt Nam đến phồn vinh trong những thập kỷ tới.
Là một trong những người được lắng nghe bài phát biểu và trả lời câu hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, điều khiến ông Kishore Mahbubani - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Singapore, khi đó là Hiệu trưởng Trường Chính sách công Lý Quang Diệu và hiện là học giả danh dự tại Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - ấn tượng chính là sự tự tin của Tổng Bí thư khi đối mặt với các câu hỏi. Ông Kishore Mahbubani tin rằng đây chính là lý do tại sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "một trong những nhà lãnh đạo thành công nhất của Việt Nam".
Ông Kishore Mahbubani cho hay là trường chuyên về chính sách công, việc mời các lãnh đạo trên thế giới hiểu về tầm quan trọng của dịch vụ công và chính sách công tới thăm và phát biểu là rất quan trọng. Giáo sư Kishore Mahbubani chia sẻ: “Thành tích phát triển kinh tế của Việt Nam trong 20-30 năm qua là vô cùng đặc biệt, dù xét theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Ở khía cạnh nào đó, việc gặp được người lãnh đạo chịu trách nhiệm về sự phát triển vượt bậc đó của Việt Nam là một trải nghiệm tuyệt vời đối với trường. Chúng tôi vô cùng vinh dự được đón tiếp ông ấy”.
Ấn tượng với sự thành công của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, ông Kishore Mahbubani nhận thấy điểm nổi bật ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là việc suy nghĩ kỹ lưỡng về cách thức Việt Nam có thể thành công trong phát triển kinh tế. Theo ông, xét về nhiều mặt, một trong những quyết định sáng suốt nhất mà Việt Nam đưa ra vào cuối Chiến tranh Lạnh là chuyển sang phát triển kinh tế và tìm kiếm đối tác để hợp tác, và một trong những đối tác mà Việt Nam lựa chọn hợp tác là Singapore.
Xét tới thành tích kinh tế của Việt Nam những năm qua, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Singapore đánh giá có nhiều lý do giải thích tại sao Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những nhà lãnh đạo thành công nhất của Việt Nam. Ông nhấn mạnh không phải quốc gia nào có tài nguyên cũng phát triển như Việt Nam. Việc Việt Nam thành công dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy Việt Nam có những nhà lãnh đạo giỏi, đã có những quyết định đúng đắn, sáng suốt, đưa nền kinh tế phát triển và giúp người dân có cuộc sống thịnh vượng hơn.
Bên cạnh đó, ông Kishore Mahbubani cũng đánh giá cao chính sách đối ngoại của Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và khả năng điều hướng của Việt Nam trong môi trường địa chính trị quốc tế và khu vực ngày càng phức tạp. Là người nghiên cứu về địa chính trị trong suốt hơn 50 năm qua, ông Kishore Mahbubani cho rằng chỉ có một số ít quốc gia trên thế giới có chiến lược sáng suốt về địa chính trị, và Việt Nam là một trong số đó.
Ông tin rằng dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi song các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ tiếp tục những di sản, những tâm huyết của Tổng Bí thư, đó là hướng tới có nền quản trị tốt, định hình chính sách kinh tế đúng đắn và xóa bỏ tham nhũng.