Các học giả đã chia sẻ về những suy nghĩ và tình cảm của họ dành cho vị lãnh tụ kiệt xuất của Việt Nam và một số đánh giá về quan hệ giữa hai nước hiện nay.
Giáo sư Jayachandra Reddy là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara, thành phố Tirupati, Đông Nam Ấn Độ, đồng biên tập cuốn sách “Hồ Chí Minh với Ấn Độ” (xuất bản năm 2019) và có nhiều nghiên cứu, đóng góp khác cho quan hệ song phương Việt Nam-Ấn Độ. Ông khẳng định cả thế giới đã công nhận Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo huyền thoại của Việt Nam.
Ông nhắc lại mối quan hệ thân thiết, bạn bè tốt giữa nhà lãnh đạo Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Hồ Chủ tịch, trước khi một người trở thành Thủ tướng Ấn Độ và một người trở thành Chủ tịch nước Việt Nam. Thủ tướng Ấn Độ Nehru là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam sau khi Việt Nam giành độc lập. Chuyến thăm diễn ra năm 1954 và theo lời mời của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm Ấn Độ năm 1958. Nhưng tình bạn giữa hai nhà lãnh đạo không chỉ dừng lại ở cấp độ cá nhân, nó còn được mở rộng sang mặt trận ngoại giao. Trong quá trình đó, Ấn Độ đóng một vai trò lớn. Trên thực tế, Ấn Độ là Chủ tịch Ủy ban quốc tế về giám sát và kiểm soát Hiệp định Geneva, góp phần mang lại hòa bình và thịnh vượng tại Việt Nam. Kể từ năm 1972, Ấn Độ thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Việt Nam. Giáo sư Jayachandra Reddy nhấn mạnh quan hệ giữa hai nước đạt được tầm cao mới trong thời gian gần đây khi năm 2016, hai nước ký kết thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Từng trao đổi với nhiều học giả, làm việc tại các cơ quan và tổ chức khác nhau của Việt Nam, với quá trình dày công nghiên cứu về Hồ Chủ tịch, Giáo sư Jayachandra Reddy bày tỏ sự kính trọng và ngưỡng mộ sâu sắc đối với Người. Theo ông "chúng tôi cũng muốn gọi Người bằng cái tên trìu mến “Bác Hồ”, để tỏ lòng kính yêu với vị cha già dân tộc của Việt Nam". Nhân dân Ấn Độ khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi sự lãnh đạo tài tình và tinh thần đấu tranh bất khuất của Người cho sự nghiệp độc lập, giải phóng dân tộc.
Đồng quan điểm, nhà thơ, học giả, Tổng thư ký Ủy ban đoàn kết Ấn-Việt Tây Bengal, Tiến sĩ Prava Samantaray, cho biết bà bị cuốn hút bởi những phẩm chất tuyệt vời và phong cách sống của Người. Tham dự nhiều chương trình, hội thảo, bài giảng về Hồ Chí Minh, đọc sách về Người, cũng đã đi thăm Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều lần, bà bắt đầu nhìn Việt Nam qua lăng kính Hồ Chí Minh. Theo bà Samantaray, Hồ Chí Minh không chỉ là cái tên, đó là một tư tưởng lớn, nhưng trên hết, là vị lãnh tụ bà hằng kính yêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một chính khách và triết gia vĩ đại, Người sở hữu những phẩm chất để trở nên đặc biệt nhất trong những nhân cách đặc biệt, mà như Tiến sĩ Prava Samantaray khẳng định: "Người mãi là thần tượng của tôi".
Bà Samantaray chia sẻ ấn tượng nhất với Hồ Chí Minh bởi nhân cách huyền thoại của Người, cách Người truyền cảm hứng và dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Bà khẳng định khả năng lãnh đạo phi thường ấy đã giúp một đất nước nhỏ bé như Việt Nam đánh bại các cường quốc hùng mạnh là thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và phát xít Nhật. Những lời nói và hành động của Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho người dân nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu, bởi Người nêu gương chứ không giáo huấn. Bản thân Người đã vận dụng tư tưởng vào cuộc sống và tư tưởng đó luôn mang “định hướng nhân dân”.
Nhận định về quan hệ Ấn Độ-Việt Nam hiện nay, các học giả cho rằng triển vọng của mối quan hệ này rất tươi sáng và đã vượt ra ngoài giới hạn song phương. Ấn Độ và Việt Nam không chỉ là những quốc gia có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác, mà còn là những người bạn thủy chung, anh em son sắt có chung mục tiêu giải phóng dân tộc, hòa bình và phát triển. Hiện nay cả hai nước đều là những quốc gia đang phát triển và có nhiều điểm tương đồng có thể học hỏi lẫn nhau.
Trong thế kỷ XXI, Ấn Độ và Việt Nam là những đối tác đáng tin cậy cùng nhau xây dựng một khuôn khổ hợp tác mới. Hợp tác thông qua các lĩnh vực “sức mạnh cứng” quốc phòng, chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật v.v. cũng như “sức mạnh mềm” trao đổi văn hóa-du lịch, giáo dục, giao lưu nhân dân sẽ củng cố hơn nữa nền tảng quan hệ song phương và mang lại những lợi ích lâu dài cho cả hai nước. Với vai trò và vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế, hợp tác Ấn Độ- Việt Nam trong thời gian tới sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho mỗi quốc gia, mà còn góp phần đưa đến hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và xa hơn, nhất là trong thời kỳ hậu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, khi các chuyên gia đang dự báo về sự xuất hiện của một trật tự địa chính trị mới.