Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Năm 2017, ngành thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng thu, chống thất thu ngân sách, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Nhờ đó, kết quả thu ngân sách Nhà nước của Tổng cục Thuế ước đạt 1.019.041 tỷ đồng, vượt 5,2% dự toán, tăng 11,5% so với năm 2016. Tổng cục đã đôn đốc, thu nợ đọng được 44.773 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 59,5% tổng số tiền thuế nợ thời điểm 31/12/2016 chuyển sang. Tổng cục Thuế đã tiến hành trên 103 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra thuế, giúp tăng thu 19 nghìn tỷ đồng. Thu nợ đọng thuế được gần 44.800 tỷ đồng, đạt 60% so với tổng số thuế nợ tính đến cuối năm ngoái.
Ngành thuế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp tục duy trì tốt dịch vụ kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Đến nay đã có 127/336 thủ tục hành chính thuế được cung cấp trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 3 và 4. Cụ thể 99,7% số doanh nghiệp tham gia dịch vụ khai thuế điện tử. Trên 97,5% số doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cải cách chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế chính là một yếu tố quan trọng đánh giá môi trường kinh doanh nước ta. Do đó, vai trò của ngành thuế rất quan trọng đối với việc thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Với trung tâm công nghệ hiện đại của ngành thuế, Thủ tướng đánh giá cao và cho rằng cần phát huy thế mạnh này để kiểm soát tốt hơn công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế.
Thủ tướng đánh giá cao ngành thuế lần đầu tiên thu vượt dự toán và nhấn mạnh, trong thành tích chung về kinh tế xã hội cả nước năm qua, có sự đóng góp quan trọng của ngành thuế. Thủ tướng vui mừng nhận thấy có 62/63 địa phương có số thu trên 1.000 tỷ đồng, 38 địa phương có số thu trên 5.000 tỷ đồng (tăng thêm 16 địa phương so với năm 2015) và cho rằng, trong thành tích đó có sự phối hợp đồng bộ của ngành thuế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng ghi nhận kết quả tỷ trọng thu nội địa 2 năm 2016-2017 chiếm khoảng 76,2% trong tổng thu NSNN, cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (chiếm khoảng 68%).
Đi liền với đó, công tác hiện đại hóa ngành thuế, nhất là quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế của mình thông qua thực hiện rộng rãi và nâng cao chất lượng khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, đồng thời chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong quản lý thuế.
Theo đó, chỉ số nộp thuế của Việt Nam năm 2017 tăng 81 bậc (từ thứ hạng 167 lên 86), đứng thứ 4 trong nhóm nước ASEAN, hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 19. Đây là mức tăng thứ hạng nhanh nhất trong 10 tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh của năm 2017, Thủ tướng đánh giá.
Đội ngũ cán bộ công chức ngành thuế đã có nhiều bước trưởng thành, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu thích ứng với yêu cầu của đổi mới, hội nhập. Ngành thuế cũng đã tham gia và trở thành thành viên thứ 100 Diễn đàn hợp tác thực hiện chương trình hành động về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho cho các đồng chí lãnh đạo Tổng cục thuế. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, bất cập của ngành thuế như: Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư diễn biến còn chậm, còn sự phức tạp, gây khó khăn cho người nộp thuế. Trong nhiều năm qua, chính sách thuế thay đổi quá nhanh, quá nhiều, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta phải đảm bảo một chính sách thuế ổn định hơn, tư duy làm chính sách thuế rất phức tạp, khó khăn.
Theo Thủ tướng, “chính sách thuế vẫn theo tư duy có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, chưa hướng đến bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế” trong khi đó hoàn toàn có thể mở rộng cơ sở thuế sang các hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng…
Về nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng cho rằng, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao là nhiệm vụ nặng nề đối với ngành thuế cả nước.
Ngoài ra, ngành thuế còn phải phấn đấu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; bảo đảm tỷ trọng chi đầu tư phát triển 26%, tỷ trọng chi thường xuyên 64,1% trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Định hướng chung nhiệm vụ của ngành để hoàn thành chỉ tiêu trên, Thủ tướng đề nghị tiếp tục hiện đại hóa ngành thuế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu khai thuế, nộp thuế, quản lý thuế, từng bước giảm dần sử dụng tiền mặt.
Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thuế, chú trọng tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ công chức. Thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, đào tạo cán bộ, bảo đảm minh bạch, công khai, dân chủ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Tổng cục Thuế cần tham mưu, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về thuế và quản lý thuế đáp ứng yêu cầu của đổi mới và hội nhập. Bảo đảm chính sách được xây dựng ổn định, toàn diện, có sức sống, tránh tình trạng thay đổi quá nhanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân và phải tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Xây dựng chính sách phải lấy người nộp thuế làm trung tâm, đối tượng phục vụ, quan tâm bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Khi thiết kế chính sách thuế chú trọng mở rộng cơ sở thuế thay vì tăng thuế suất ngay cả khi bắt buộc phải tăng thuế suất thì phải kết hợp hài hòa với mở rộng cơ sở thuế.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế. Gắn liền với đó là yêu cầu quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh và khu vực ngoài quốc doanh, lĩnh vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thu thuế, gây mất công bằng, nhất là trong bối cảnh thanh toán tiền mặt còn lớn tiến tới sớm hơn nữa thực hiện thu thuế điện tử đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh sử dụng các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ khi bán hàng hóa, dịch vụ.
Thủ tướng lưu ý ngành thuế có các biện pháp bảo vệ quyền đánh thuế của Việt Nam: Chuyển nhượng vốn, cổ phần của doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nhưng thực hiện ngoài Việt Nam, loại hình kinh tế chia sẻ. Nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tác động của chính sách thuế, chuẩn hóa hệ thống cơ sở dữ liệu thuế và thường xuyên tổ chức đối thoại với người nộp thuế.
Thủ tướng chỉ đạo khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đáng lo ngại ở một bộ phận cán bộ thuế. Ngành thuế nên đưa ra thông điệp “Cán bộ ngành thuế nói không với tiêu cực”, Thủ tướng gợi ý và đề nghị đi liền với đó là kiểm tra, xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành những cán bộ, công chức hư hỏng, thoái hóa, biến chất.