Sau 13 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên, tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập, đòi hỏi cần có sự nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.
Sự cần thiết xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi)
Ngày 29/11/2005, tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Thanh niên và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006. Việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo hành lang pháp lý để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo và tiềm năng to lớn của thanh niên, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy vị trí, vai trò của tổ chức thanh niên trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên, đặc biệt là phát huy vai trò nòng cốt của Đoàn thanh niên trong các phong trào thanh niên, vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
Để triển khai thực hiện Luật có hiệu quả, bộ máy quản lý nhà nước về thanh niên ở các bộ, ngành, địa phương đã được thiết lập và xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đối với thanh niên, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thông qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của thanh niên ngày càng được nâng cao, coi đầu tư cho thanh niên là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho tương lai nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ có ảnh hưởng quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập. Một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật; chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương.
Bên cạnh đó, các nội dung của Luật còn thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định, thiếu sự gắn kết giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách. Tính pháp chế trong thi hành Luật còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận và ngược lại, không làm cũng không bị xử lý.
Cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên còn chung chung. Do đó, thanh niên khó phát huy và thực hiện được đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính thanh niên.
Mặt khác, bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu của thanh niên đã có nhiều thay đổi so với thời điểm thông qua Luật năm 2005. Hệ thống pháp luật chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều, tác động trực tiếp đến các chính sách dành cho thanh niên, đặc biệt là sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013. Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các chính sách, pháp luật đối với thanh niên cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện để đáp ứng bối cảnh hiện nay và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển.
Việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên năm 2005 được thực hiện trên cơ sở đảm bảo sự phù hợp, xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên, cơ chế phối hợp trong công tác thanh niên và vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và phù hợp với xu thế quản lý và hoạt động của thanh niên trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa. Bên cạnh một số quy định chung về chính sách đối với thanh niên, Luật Thanh niên (sửa đổi) sẽ có các chính sách cụ thể để bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện.
Mục đích xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) nhằm thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quá trình xây dựng dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Chính phủ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật; tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Thanh niên năm 2005; nghiên cứu, rà soát chủ trương của Đảng về thanh niên và công tác thanh niên, các luật, chính sách pháp luật có liên quan đến thanh niên.
Nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo tại các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam được tổ chức để lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, các nhà khoa học về dự án Luật. Việc tổ chức các tọa đàm, diễn đàn tham vấn và lấy ý kiến các đối tượng thanh niên về nội dung dự án Luật; lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để đóng góp xây dựng, hoàn thiện dự án Luật được tích cực triển khai. Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) cũng được gửi tới Bộ Tư pháp để tiến hành thẩm định và trình Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ tháng 8/2019.
Nhiều chính sách tạo điều kiện phát huy quyền và nghĩa vụ của thanh niên
Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), gồm có 6 Chương và 62 Điều; tăng 26 Điều so với Luật năm 2005, trong đó Chương II về “Quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên” gồm 9 mục, 31 điều. Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) xây dựng trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua: Chính sách quy định về đối thoại với thanh niên, Tháng Thanh niên và bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phát triển thanh niên; chính sách quy định về trách nhiệm của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trách nhiệm của Nhà nước đối với thanh niên và đối với một số nhóm thanh niên cụ thể.
Với nội dung trải dài từ Điều 11 đến Điều 41, chương II của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên tại Luật Thanh niên năm 2005, xuất phát từ đặc trưng cơ bản của thanh niên là lực lượng trẻ tuổi, có tinh thần xung kích, tình nguyện, có khát vọng, hoài bão; có tinh thần học hỏi; có nhu cầu lao động, việc làm, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo và khát vọng lập thân, lập nghiệp; là giai đoạn phát triển mạnh nhất cả về thể chất và tinh thần; có nhu cầu hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, với mong muốn được thể hiện, được khẳng định, được ghi nhận; nhưng đồng thời đây là độ tuổi cần được chăm lo, bồi đắp để tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm.
Dự thảo Luật quy định 8 quyền và nghĩa vụ cơ bản có tác động nhiều đến việc phát triển thanh niên: quyền và nghĩa vụ về học tập; lao động và khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; bảo vệ Tổ quốc; hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; hôn nhân và gia đình; tham gia quản lý nhà nước, giám sát và phản biện xã hội.
So với Luật Thanh niên năm 2005, dự thảo Luật đã tách quyền và nghĩa vụ của thanh niên để làm rõ trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Đồng thời, quy định các chính sách của Nhà nước gắn với việc bảo đảm thực hiện quyền cơ bản của thanh niên.
Để bảo đảm cho thanh niên được thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình, trong mỗi mục từ Mục 1 đến Mục 8, dự thảo Luật đã quy định cụ thể chính sách của Nhà nước đối với thanh niên tương ứng với các quyền, nghĩa vụ đặc trưng để thanh niên được: học tập, rèn luyện, tích lũy kiến thức, kỹ năng, ý thức kỷ luật; tiếp cận và cung cấp thông tin về học tập, lao động, việc làm; tiếp cận, nghiên cứu khoa học, sáng tạo, tự do lựa chọn nghề nghiệp; tạo điều kiện về môi trường để khởi nghiệp sáng tạo, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự thảo Luật quy định thanh niên là đối tượng được bồi dưỡng, giáo dục về truyền thống văn hóa, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ Tổ quốc; được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; được tư vấn, chăm sóc, nâng cao sức khỏe để phát triển cả thể chất và tinh thần.
Điểm mới của dự thảo Luật là đã thiết kế các chính sách của Nhà nước gắn liền với quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực, tạo sự rõ ràng, liên kết chặt chẽ, tránh lặp đi lặp lại nhiều lần trong dự thảo Luật, cũng như đảm bảo sự phù hợp, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ với chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chính sách bảo vệ thanh niên an toàn trên môi trường không gian mạng…
Dự thảo Luật quy định về chính sách đối với một số nhóm thanh niên cụ thể như: thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi cần được hưởng các chính sách, biện pháp bảo vệ và sự phát triển toàn diện; nhóm thanh niên yếu thế gồm thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo, thanh niên làm việc ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để tạo cơ hội bình đẳng cho các nhóm thanh niên này phát triển toàn diện.
Nhóm thanh niên tích cực như thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng cần có chính sách của Nhà nước nhằm đào tạo, bồi dưỡng trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước và phát huy tính tích cực sáng tạo, xung phong tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các chính sách cụ thể này nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, thanh niên không ai bị bỏ lại phía sau.
Các chính sách mới cũng là một phần nội dung cơ bản, quan trọng được đề cập trong dự thảo Luật như: chính sách đối với thanh niên khởi nghiệp, thanh niên tình nguyện; chính sách đối với thanh niên làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; chính sách quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên; chính sách quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên như Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam… Theo đó, các tổ chức của thanh niên có trách nhiệm đoàn kết, tập hợp thanh niên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên, phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, các tổ chức thanh niên có trách nhiệm trong việc tổ chức và phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với thanh niên…
Đối với tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, dự thảo Luật quy định trách nhiệm của các tổ chức nhằm tạo điều kiện cho thanh niên được học tập, lao động an toàn, phát triển thể lực, trí tuệ, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe… Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định rõ trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc chăm lo, bảo đảm cho thanh niên được học tập, phát triển tài năng, giáo dục rèn luyện nhân cách, đạo đức, chăm sóc rèn luyện sức khỏe, định hướng nghề nghiệp, lao động việc làm.