Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được ghi nhận trong đời sống chính trị - xã hội với ý nghĩa là một trong những quyền và trách nhiệm cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Những năm qua, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều bước tiến và đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân về công tác giám sát được nâng lên. Các cơ sở chính trị, pháp lý trong hoạt động giám sát ngày càng được củng cố và hoàn thiện hơn. Công tác giám sát của Mặt trận đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Nội dung, phương thức giám sát ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Tuy nhiên, công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chậm đổi mới nội dung, phương thức giám sát. Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ hơn các căn cứ chính trị, sự cần thiết và yêu cầu thực tiễn về đổi mới nội dung và nâng cao hiệu quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, đổi mới tổ chức và phương thức giám sát của Mặt trận phải gắn chặt với phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; cùng với nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân thực hiện, phát huy dân chủ; xây dựng, hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu thực tế, hiện nay việc theo dõi, giải quyết kiến nghị sau giám sát ở nhiều nơi chưa được chú trọng, đôn đốc đến cùng, dẫn đến việc kiến nghị một chiều, hình thức, hiệu quả chưa cao, thậm chí không đánh giá được kết quả giám sát trong một vụ việc nhất định. Do đó, cán bộ thực hiện hoạt động giám sát cần thể hiện được bản lĩnh dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tránh hiện tượng nể nang, né tránh trong quá trình giám sát.
Từ kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương, ông Nguyễn Đình Xiển, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương cho rằng, nội dung giám sát của Mặt trận Tổ quốc các cấp cần được lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, bám sát các nội dung chỉ đạo, định hướng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên và của cấp ủy cùng cấp; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà nhân dân, dư luận đang quan tâm để tổ chức các cuộc giám sát.
Ghi nhận những đóng góp tâm huyết tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, các ý kiến sẽ được tổng hợp đầy đủ, chi tiết; qua đó, góp phần giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có thêm cơ sở khoa học và thực tiễn để triển khai các giải pháp thiết thực trong quá trình chỉ đạo, điều hành chuyên môn; giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch, nội dung giám sát, ban hành văn bản hướng dẫn địa phương trong thực hiện nhiệm vụ giám sát hàng năm, đề xuất, kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian tới.