Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi và quán triệt một số nội dung như: Hoạt động về Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2022; thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 và tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 -2023; thực hiện việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các đại biểu cũng góp ý dự thảo hướng dẫn thực hiện Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về "Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo"; hướng dẫn việc cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu vận hành, quản lý trang thông tin “Vì người nghèo”.
Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị thống nhất, việc tổ chức tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023 phải đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền và được thực hiện từ cơ sở, từ cấp xã, phường. Cấp huyện, cấp xã căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể tổng kết bằng văn bản hoặc tổ chức hội nghị tổng kết. Cấp tỉnh và Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết gắn với các hoạt động biểu dương, khen thưởng các địa phương, đơn vị có thành tích xuất sắc trong 20 năm phối hợp, triển khai và tổ chức Ngày hội.
Theo kế hoạch, cấp xã, huyện sẽ tổ chức tổng kết xong trong tháng 7/2023. Cấp tỉnh tổ chức tổng kết xong trong tháng 8-9/2023. Báo cáo tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trước ngày 25/9/2023. Cấp Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết toàn quốc trong tháng 11/2023. Quá trình tổng kết cần làm rõ giải pháp, cách làm sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ; những hạn chế, tồn tại và rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, càng về những tháng cuối năm, hoạt động chăm lo cho người nghèo, đối tượng khó khăn cũng như việc triển khai một số hoạt động phong trào, các cuộc vận động diễn ra rất nhiều, do đó cần xem xét, thống nhất một số nội dung cụ thể nhằm đảm bảo công tác phong trào trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Về việc vận động Quỹ “Vì người nghèo” năm 2022, theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ do tác động của dịch COVID-19 trong hai năm qua, đây là một khó khăn trong công tác kêu gọi nguồn lực ủng hộ. Vì vậy, thành công của việc huy động nguồn lực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” năm nay sẽ được đánh giá dưới góc độ lan tỏa, sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, mọi cá nhân, tổ chức để chia sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn, phát huy truyền thống đạo lý của dân tộc "Lá lành đùm lá rách".
Bà Trương Thị Ngọc Ánh cũng yêu cầu Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cần được tổ chức thật sự thiết thực, ý nghĩa, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người dân; là dịp góp phần gắn kết người dân, xây dựng những cộng đồng dân cư đoàn kết.