Khoản kinh phí này nhằm hỗ trợ chuẩn bị các phòng thí nghiệm quy mô lớn xét nghiệm virus SARS-CoV-2; phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm; tiến hành truyền thông nguy cơ; thực hiện kế hoạch khẩn cấp về y tế công cộng đối với các điểm nhập cảnh tại biên giới; khởi động giám sát phát hiện ca bệnh và giám sát dựa trên sự kiện đối với các bệnh thuộc dạng cúm; tập huấn, trang bị cho những người phản ứng nhanh về điều tra và truy tìm liên lạc; cập nhật tài liệu tập huấn cho nhân viên y tế.
Với Việt Nam, gần 3 triệu USD hỗ trợ y tế sẽ giúp Chính phủ Việt Nam chuẩn bị hệ thống phòng thí nghiệm; kích hoạt hệ thống giám sát phát hiện trường hợp nhiễm bệnh và giám sát dựa trên sự kiện; hỗ trợ các chuyên gia kỹ thuật trong việc ứng phó và chuẩn bị; truyền thông nguy cơ; phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm và các việc khác. Trong 20 năm qua, Hoa Kỳ đã hỗ trợ hơn 706 triệu USD cho ngành y tế và hơn 1,8 tỷ USD tổng số hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực cho Việt Nam.
Cùng với đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phối hợp Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đào tạo cho 15 bệnh viện, hỗ trợ đào tạo cho 63 tỉnh trong việc giám sát, báo cáo và thu thập mẫu virus SARS-CoV-2, hỗ trợ Việt Nam xây dựng các hướng dẫn kiểm soát và phòng ngừa lây nhiễm quốc gia đối với dịch COVID-19.
Trong khu vực, thông qua Viện Y tế Quốc gia (NIH), Hoa Kỳ đang tích cực hỗ trợ nghiên cứu tại các quốc gia ASEAN nòng cốt để chống lại đại dịch, bao gồm cả phương pháp trị liệu, vắc-xin và các biện pháp đối phó về mặt y tế. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã làm việc với các đối tác ASEAN trong việc điều trị và phòng chống sốt rét, nghiên cứu các trường hợp lan truyền virus Corona từ dơi và các nghiên cứu khác về lợi ích sức khỏe cộng đồng.
Thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, Hoa Kỳ có các chương trình trong khu vực để tăng cường năng lực của quốc gia ASEAN trong việc chuẩn bị cho sự bùng phát dịch bệnh và xây dựng năng lực chẩn đoán trong phòng thí nghiệm.