Dự đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo tỉnh Hòa Bình... cùng gần 300 đại biểu đại diện cho trên 60 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Đại hội đã bầu ra 57 đại biểu chính thức dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II, diễn ra năm 2020; đồng thời thống nhất cao và biểu quyết thông qua Quyết tâm thư Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, những kết quả tỉnh Hòa Bình đã đạt được cho thấy sự chỉ đạo, thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, tạo tiền đề để Hòa Bình tiếp tục bứt phá phát triển nhanh, bền vững, cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và hội nhập.
Phó Thủ tướng tin tưởng và mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đổi mới toàn diện, tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục tranh thủ, ưu tiên các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung khai thác tiềm năng lợi thế, điều kiện địa hình về chính trị, kinh tế và an ninh - quốc phòng để tạo sinh kế mới, phát triển kinh tế cho người dân. Tỉnh cần tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo, dạy nghề để nâng cao mặt bằng dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể cần có kế hoạch, giải pháp thiết thực đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự; quan tâm bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc...
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và đồng bào các dân tộc trong tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Nghị định của Trung ương Đảng, Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dân tộc; tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát huy tính tự giác, chủ động của đồng bào, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện, giám sát chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Các địa phương tranh thủ nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên đầu tư cho các xóm, xã đặc biệt khó khăn; làm tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số; bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Đại hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế như: Việc triển khai chính sách dân tộc có nơi còn chưa kịp thời, thường xuyên, chính sách ban hành đưa ra mục tiêu quá lớn không bố trí được ngân sách thực hiện. Tốc độ phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tăng nhưng chưa ổn định, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, khoảng cách thu nhập, đời sống, y tế của vùng đồng bào dân tộc miền núi còn chênh lệch so với các vùng khác. Công tác dân tộc còn yếu, tư duy, khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường và hội nhập còn hạn chế, công chức làm công tác dân tộc cấp huyện thiếu, tính kế thừa chưa bền vững…
Đại hội đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 - 2024 như: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần địa bàn đặc biệt khó khăn, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, cải thiện rõ rệt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số; huy động mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, kết nối với các vùng sản xuất. Cùng với đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo báo cáo của tỉnh Hòa Bình, 5 năm qua, diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều đổi mới tích cực. Toàn tỉnh Hòa Bình có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 17 xã đặc biệt khó khăn, xã vùng đặc thù thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Thành phố Hòa Bình đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Lương Sơn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội trong tỉnh có nhiều chuyển biến, các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công được quan tâm thực hiện. Chất lượng sự nghiệp y tế, giáo dục được nâng lên. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm xây dựng và củng cố, hoạt động có hiệu quả…
Nhằm động viên các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, dịp này, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho bà Đinh Thị Thảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình và cán bộ, nhân dân huyện Yên Thủy. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 16 cá nhân. Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 25 tập thể, 57 cá nhân.