Báo cáo của Tỉnh ủy Hà Giang nêu rõ, là tỉnh vùng cao, biên giới, Hà Giang có tới gần 90% là đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 33%. Sau 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45 của Ban Bí thư (khóa VII) và 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc, có thể khẳng định, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách, đề án, chương trình, huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn. Chính vì vậy, nền kinh tế của Hà Giang phát triển ổn định, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8,8%, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 26,2 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2010-2015 từ 41,8% giảm xuống còn 31,17% năm 2019 (theo chuẩn nghèo mới)…
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, Đảng bộ tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số như hỗ trợ giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh... tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào các dân tộc phát triển. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được đặc biệt quan tâm. Hoạt động đưa thông tin về vùng sâu, vùng xa, biên giới được chú trọng. Hà Giang luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ và đã có 1.806 người dân tộc thiểu số làm việc tại khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã.
Tỉnh Hà Giang đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, kết cấu hạ tầng vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà nước quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, ổn định và phát triển sản xuất; Ban hành chính sách dân tộc gắn với chính sách bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia, bảo vệ phát triển rừng để đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó, bảo vệ biên giới và tài nguyên thiên nhiên Quốc gia. Nhà nước tiếp tục có chính sách đặc thù, hỗ trợ các tỉnh miền núi đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông, đường tuần tra biên giới; có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc Hội Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh: Công tác dân tộc nói chung và chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc mông được Tỉnh ủy Hà Giang triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc Hội Hà Ngọc Chiến đề nghị Tỉnh ủy Hà Giang cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đề tiếp tục cho đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh.
Trong chuyến công tác tại Hà Giang, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc Hội Hà Ngọc Chiến và Đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Văn; trao 50 suất học bổng trị giá (mỗi suất 500.000 đồng) cho 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn hiếu học; trao 30 suất quà cho các hộ nghèo và người có uy tín tại huyện Đồng Văn.