Hiến kế tăng thu ngân sách

Chia sẻ với những khó khăn của nền kinh tế dẫn đến hụt thu ngân sách, các đại biểu và cử tri đã nêu nhiều giải pháp tăng thu.


Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh):Chuyển đổi mô hình tăng trưởng


Nên tập trung vào những việc cần làm ngay, đó là thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu. Hai năm qua, các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng đã nhận định và báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận nền kinh tế của chúng ta còn nhiều khó khăn. Để giải quyết được vấn đề này, việc đầu tiên là chúng ta phải tăng nguồn thu, có như vậy nền kinh tế mới được cải thiện. Thu nhập doanh nghiệp tăng lên, các giao dịch doanh nghiệp sôi động, doanh thu tăng lên... lúc đó nguồn thu sẽ tăng lên. Muốn như vậy thì việc cải cách kinh tế phải có chính sách đột phá thông qua việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đó là điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế mà chúng ta cần giải quyết.

 


“Để góp phần tăng thu, chúng ta phải chọn một số lĩnh vực, những doanh nghiệp có thị trường, có thương hiệu, có sản phẩm để khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Nhưng do nền kinh tế khó khăn dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp thiếu vốn, lâm vào cảnh nợ nần... Vậy các ngân hàng cần linh hoạt để tạo điều kiện để vực các doanh nghiệp dậy. Nếu doanh nghiệp được hỗ trợ về vốn và cùng những chính sách khác sẽ góp phần cải thiện tình hình kinh tế ảm đạm. Từ đó mới tạo ra nguồn thu và chúng ta mới có tăng thu” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa khẳng định.


Cũng theo ông Nghĩa, nếu chúng ta đầu tư dàn trải như hiện nay thì sẽ không cải thiện được tình hình khó khăn. Có những doanh nghiệp có thể cải thiện được khó khăn, vực dậy để sản xuất kinh doanh nhưng lại không được hỗ trợ về vốn. Tôi cho rằng để tăng thu thì chúng ta phải sâu sát, tiếp cận doanh nghiệp để tìm hiểu, gỡ khó cho doanh nghiệp. Thời gian qua các ngân hàng thương mại chưa làm được nhiều. Nếu Ngân hàng Nhà nước không có sự chỉ đạo để ngân hàng và doanh nghiệp gắn kết với nhau cùng tháo gỡ khó khăn thì sự tiếp cận nguồn vốn cũng chỉ trên lý thuyết.

Ví như vấn đề nông nghiệp, nếu chúng ta cải cách nền nông nghiệp một cách thích đáng thì cũng sẽ tạo ra nguồn thu. Hay ở lĩnh vực bất động sản cũng vậy. Nhiều người cho rằng nhu cầu nhà ở hiện nay vẫn còn cao hơn nguồn cung. Vậy nên chúng ta cần có chính sách tốt với bất động sản để tiếp tục tạo ra nguồn thu. Như chúng ta đã thấy, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thời qua đã tăng lên đáng kể, vậy nên chúng ta cần tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài để tạo ra nguồn thu.

 

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Cần tăng hiệu quả đầu tư công


Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm nay chiếm khoảng 30% tổng thu nhập quốc dân, giảm so với trước (trước đây, có thời kỳ lên tới 40%). Điều này thể hiện chủ trương của Chính phủ là nâng cao hiệu quả đầu tư thay vì số lượng đầu tư. Chủ trương này là đích đáng, tuy nhiên theo tôi, còn một số vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.

 


Thứ nhất, cần nâng cao hiệu quả đầu tư công. Các dự án cần phải được đôn đốc để theo đúng tiến độ. Hiện nay, tiến độ các dự án cầu, đường đô thị đều chậm, làm giảm hiệu quả đầu tư. Thứ hai, đầu tư công phải đồng bộ. Chẳng hạn, xây cầu mà không có đường dẫn, xây bệnh viện mà không xây phòng mổ... thì các công trình này không thể phát huy hiệu quả. Thứ ba, cần xem xét kỹ các dự án đầu tư mới. Các dự án xây cảng Lạch Huyện, đường Long Thành - Dầu Giây, đường sắt cao tốc là những dự án lớn, phải được thảo luận kỹ hơn. Đặc biệt, trong đầu tư kết cấu hạ tầng, cần phải có một cái nhìn tổng thể, kết nối đường sắt, hàng không, đường bộ...


Về vấn đề thu ngân sách, nếu thu ngân sách hụt thì không có vốn để đầu tư. Chúng ta thấy, trong năm qua, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng đều hụt thu ngân sách. Lý do chính là các thành phố này quá phụ thuộc vào nguồn thu từ bán đất. Ví dụ năm 2012, dự trù thu thuế của Hà Nội từ bán đất chiếm đến 22% ngân sách. Trong khi đó, thị trường bất động sản đóng băng suy thoái, đất không bán được, nên thành phố không thu được thuế. Vì thế, dựa vào nguồn thu từ đất là không bền vững. Thay vào đó, nên thu thuế nhà. Thuế nhà sẽ đảm bảo công bằng khi những người giàu sở hữu nhà có giá trăm tỷ đồng phải đóng thuế nhiều hơn nhà của dân nghèo.

 

Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính: Vực dậy “sức khỏe” doanh nghiệp


Để bù đắp nguồn hụt thu ngân sách nhà nước (NSNN) cho năm nay và tăng thu cho năm tới, trước tiên, phải động viên, tạo niềm tin cho doanh nghiệp (DN) hăng hái sản xuất bằng việc thiết lập những chính sách mới; tạo niềm tin cho người dân để nhu cầu tiêu dùng tăng. Thứ hai, đối với những dự án đã được bố trí nguồn kinh phí thì cần phải giải ngân nhanh để đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Thứ ba, tăng cường quản lý, rà soát lại các khoản thu, đối tượng thu thuế; chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thứ tư, DN phải tiết kiệm chi phí, có thêm lợi nhuận để đóng góp cho NSNN; cơ quan quản lý thắt chặt chi tiêu công. Nguồn thu NSNN ổn định không chỉ bảo đảm cho năm nay mà còn tạo cơ sở gối đầu cho năm 2014.

 


Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Đối với các DN nhỏ, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hạ từ 25% xuống còn 20%; Quy định mới về thuế thu nhập cá nhân nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng thay vì 4 triệu đồng/tháng như trước đây. Những chính sách này tạo điều kiện để người dân có thêm tiền, tăng chi, thúc đẩy quá trình lưu thông hàng hóa. Thuế suất TNDN của những DN lớn mới được giảm từ 25% xuống còn 22%. Sang năm, chính sách thuế TNDN, thuế giá trị gia tăng sẽ có sức lan tỏa mạnh, giúp vực dậy “sức khỏe” doanh nghiệp.



Viết Tôn, Hoàng Dương, Minh Phương(ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN