HĐND Hà Nội chất vấn 3 nhóm vấn đề 'nóng'

Ngày 4/12, tại kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV, bà Ngô Thị Doãn Thanh - Chủ tịch HĐND thành phố điều hành phiên chất vấn của các đại biểu HĐND và chuyển các kiến nghị của cử tri đến lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành liên quan.

Có 121 kiến nghị của cử tri được chuyển đến các đại biểu, trong đó có 20 ý kiến chủ yếu tập trung vào 3 nhóm vấn đề, gồm: công tác kiểm tra, rà soát 312 biệt thự trên địa bàn Hà Nội; vấn đề sử dụng đất và nợ đọng xây dựng cơ bản; đầu tư cho khoa học và công nghệ sao cho hiệu quả.

Đại biểu Lê Hoài Nam nêu ý kiến: Thẩm quyền nào để UBND thành phố Hà Nội đưa 312 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý 970 biệt thự đã được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết số 18. Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Xuân Diên cho rằng UBND thành phố cần xem xét lại công tác tham mưu, rà soát và kiểm tra 312 biệt thự. Câu hỏi được được đặt ra là tại sao UBND thành phố Hà Nội chưa thông qua HĐND thành phố mà đã ban hành Quyết định 7177 về 312 nhà biệt thự.

Thừa nhận có sai sót trong vấn đề quản lý một số nhà biệt thự công trên địa bàn Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho rằng: Đó là do vấn đề lịch sử để lại. Hiện UBND thành phố Hà Nội đang quyết liệt chỉ đạo các ngành và chính quyền địa phương liên quan thực hiện nghiêm việc thống kê, rà soát và cung cấp hồ sơ đầy đủ về các nhà biệt thự này.

Liên quan đến Quyết định 7177, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành đúng văn bản quy phạm pháp luật và đúng thẩm quyền; Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản hướng dẫn nội dung này.

Về vấn đề đất đai và nợ xây dựng cơ bản, các đại biểu tập trung các kiến nghị về việc nợ đọng các công trình kéo dài và giải quyết thủ tục đất đai tại các quận, huyện trọng điểm trong thời gian vừa qua. Điển hình như: Danh mục 5 công trình thuộc công trình 1000 năm Thăng Long - Hà Nội hiện vẫn chưa quyết toán xong, công trình Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng chưa được quyết toán...

Trả lời về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: UBND thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã có số nợ cơ bản nhỏ phải bố trí đủ vốn để xử lý xong trong năm 2014; chỉ bố trí vốn cho dự án mới khi cấp bách; không để nợ đọng mới...

Về làm rõ trách nhiệm từng cấp, ngành, cá nhân để xảy ra nợ xây dựng cơ bản và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý điều hành để xảy ra nợ đọng xây dựng, UBND thành phố đã có văn bản phê bình Chủ tịch 6 huyện trên địa bàn Hà Nội. Thành phố tăng cường công tác quản lý về đất đai, phân rõ trách nhiệm của từng đơn vị; đồng thời tổ chức 12 đoàn thanh tra, kiểm tra về quản lý và sử dụng đất, qua đó xử lý từng trường hợp cụ thể.

Chất vấn về nội dung khoa học và công nghệ, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu vấn đề công khai các bước trong lựa chọn đề tài khoa học nghiên cứu, đánh giá và cấp vốn; chi cho việc đào tạo 27 tiến sỹ, 160 thạc sỹ trong thời gian vừa qua.

Trả lời về nội dung này, ông Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội khẳng định: Các đề tài nghiên cứu đánh giá đều được công khai minh bạch trên phương tiện thông tin đại chúng và được Hội đồng khoa học thông qua. Về việc đào tạo tiến sỹ và thạc sỹ không phải là nhiệm vụ chính của khoa học và công nghệ mà việc đào tạo chỉ là nghiên cứu thêm.

Đại biểu Nguyễn Thị Thùy nêu ý kiến chất vấn, yêu cầu các ngành liên quan xem xét lại quá trình xử lý sai phạm tại trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. Trả lời chất vất của đại biểu, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh, xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, hiện các cơ quan chuyên môn đã tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân sụt lún lan can tại đây.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng có báo cáo nêu rõ: Do nền đất xây dựng dự án yếu; thép không có bọc chống rỉ bên trong nên xảy ra sự cố như thực tế. Ngoài ra, quá trình san nền không đảm bảo đúng thiết kế. Về trách nhiệm, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục xem xét tìm rõ nguyên nhân và rà soát toàn bộ dự án, xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến dự án.


Nguyễn Thắng (TTXVN)
Kỳ họp HĐND các tỉnh, thành phố Hà Nội: Tập trung lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý đô thị

Chiều 14/7, Kỳ họp thứ 5 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV đã bế mạc sau 4 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, hiệu quả. Các đại biểu đã thảo luận, thông qua 11 nghị quyết, trong đó có 6 nghị quyết về quy hoạch ngành, lĩnh vực, một số cơ chế, chính sách và hai chương trình mục tiêu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN