Hành trình tái hiện 'Người đi tìm ánh sáng'

Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Pooja Sengupta, Giám đốc nghệ thuật, sáng lập Nhà hát vũ kịch Turongomi của Bangladesh, nhà nghiên cứu, biên đạo múa vở vũ kịch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh (công diễn tháng 9/2019), đã có bài viết chia sẻ về tình cảm nhân dân Bangladesh dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như những trăn trở trong quá trình tái hiện cuộc đời của Người trong tác phẩm này.

Chú thích ảnh
Đạo diễn và các nghệ sỹ Bangladesh bắt nhịp Bài ca Hồ Chí Minh.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, trong bài viết, bà Sengupta chia sẻ là một nghệ sỹ, mỗi khi sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sỹ thực sự muốn thể hiện bản thân mình thông qua tác phẩm đó. Nhưng đôi khi ngược lại - thay vì tạo dấn ấn cá ­nhân của mình, người nghệ sỹ lại được chính tác phẩm đó truyền cảm hứng và động lực. Trong quá trình biên đạo vở vũ kịch về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà đã cảm nhận được âm thanh văng vẳng của tiếng máy đánh chữ xung quanh, như thấy được ánh mắt kiên định có thể nhìn thấu tâm hồn mình. Bà như được chứng kiến cuộc đấu tranh của một thanh niên dù chỉ có thể kiếm sống qua ngày nhưng làm việc hết sức chăm chỉ, tiết kiệm từng đồng để mua máy in in tờ rơi. Và chỉ với những tờ rơi này, người thanh niên ấy đã khơi dậy sự đồng cảm của thế giới với nỗi thống khổ của dân tộc mình, để rồi cả thế giới chung tay hiện thực hóa giấc mơ giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc của Việt Nam. 

Theo bà Sengupta, Chủ tịch Hồ Chí Minh được đông đảo người dân Bangladesh ngưỡng mộ, giống như ở Việt Nam. Người đã trở thành hình tượng một chính trị gia đầy cống hiến trong lòng người dân Bangladesh. Quá trình tái hiện cuộc đời của Hồ Chủ tịch vô cùng khó khăn, vì cuộc đời của Người nhiều biến động và ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí. Hồ Chủ tịch đã bôn ba khắp thế giới để tìm kiếm sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc giải phóng và thống nhất đất nước Việt Nam. Người thấy rõ những tác động tiêu cực của chủ nghĩa đế quốc và nhận ra rằng trên thế giới, xã hội chỉ có hai giai cấp - tư sản và vô sản. Người là một trong số ít các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thành công trong việc cùng lúc đấu tranh bằng ngòi bút và hành động cách mạng, với nhiều bút danh ở nhiều quốc gia để che giấu thân phận. Việc này dường như không chỉ xuất phát từ đòi hỏi của tình hình, mà còn là sự trỗi dậy của một tâm hồn nghệ sĩ bên trong nhà lãnh đạo.

Bà Sengupta chia sẻ đội ngũ của bà đã tập trung vào hai việc – nghiên cứu về cuộc đời Bác Hồ qua tư liệu sách báo, phim tài liệu về Người và Chiến tranh thế giới thứ Hai, và đồng thời viết kịch bản. Chỉ kể lại toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian 40 phút đã quá khó, tạo dựng một tác phẩm nghệ thuật cho khán giả quốc tế còn gian nan gấp bội. Vì là một tác phẩm mang tính nghệ thuật sân khấu chứ không chỉ đơn thuần là tả thực, bà cho biết đã phải cố gắng rất nhiều để tìm cảm hứng. Hầu hết các động tác múa trong tác phẩm là những động tác mới được biên đạo trên sân khấu và lấy cảm hứng từ các điệu múa cổ điển, thiền và võ thuật.

Ban đầu, các khung cảnh mường tượng còn khá mờ ảo và vô định và bà đã cố gắng nhào nặn và định hình chúng bằng cách vẽ các phác thảo. Các phân cảnh, động tác biểu diễn dần dần trở nên rõ ràng, rồi các phác thảo được dàn dựng trên sàn tập. Xây dựng hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vô sản V.I Lenin là người anh hùng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc mình, đó là các phương pháp xóa bỏ bất bình đẳng trong xã hội của lãnh tụ Lenin, đội ngũ của bà Sengupta đã cố gắng khắc họa những khoảnh khắc này bằng các kỹ thuật sân khấu và vũ đạo tĩnh lặng. Và cuối cùng, tác phẩm trở thành hiện thực khi được những nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu.

Riêng việc dựng một tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã là một thách thức lớn, và còn lớn hơn khi xây dựng một tác phẩm chính thức cho Chính phủ Việt Nam. Bà Sengupta nhấn mạnh đây thực sự là niềm tự hào nhưng cũng vô cùng áp lực. Bà chia sẻ: "Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo và cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh khi dựng vở kịch này. Những nghệ sĩ của Nhà hát vũ kịch Turongomi và sinh viên của Trường múa Turongomi đã làm việc rất hăng say để thể hiện tác phẩm. Trở thành một phần trong hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua sáng tạo nghệ thuật thực sự là một niềm tự hào của cá nhân tôi, các thành viên trong nhóm và của đất nước tôi".

Kết thúc bài viết, bà Sengupta gửi lời chúc mừng chân thành đến nhân dân Việt Nam và những người yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn thế giới, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người. Bà nhấn mạnh: "Hồ Chí Minh là tên mà Người đã chọn cho mình. Nó có nghĩa là Người mang lại ánh sáng. Ánh sáng Người đã dày công thắp lên, chính là ánh sáng lương tri trong chúng ta, soi sáng tâm hồn mỗi chúng ta".

Bài và ảnh: Huy Lê/TTXVN (Theo nguồn Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh nhé)
Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam soi đường cho tổ chức Công đoàn Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam soi đường cho tổ chức Công đoàn Việt Nam

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội thảo "Cán bộ Công đoàn học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh" nhân dịp Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN