Chiều 18/9, tại buổi họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt cho biết, ngay say khi nhận được ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng khói bụi, ảnh hưởng môi trường từ nhà máy Dệt kim Đông Xuân (phường Vĩnh Tuy), tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại Trung tâm thương mại Vincom (phường Lê Đại Hành), tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Nguyễn Đình Chiểu, UBND quận đã giao ngay cho các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát, thành lập các đoàn kiểm tra và tìm phương pháp xử lý, giải quyết. Đến nay, tình trạng vi phạm trên các khu vực này đã có sự chuyển biến tích cực, diện mạo đô thị được cải thiện đáng kể.
Theo ghi nhận của phóng viên, vấn đề vi phạm trật tự xây dựng, môi trường đô thị không chỉ diễn ra ở quận Hai Bà Trưng mà còn diễn ra ở hầu hết các quận nội đô và có dấu huyện lan rộng ở nhiều huyện ngoại thành của Hà Nội. Báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2018, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã kiểm tra 9.318 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 606 trường hợp (223 trường hợp không phép; 139 trường hợp sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 32 trường hợp ảnh hưởng công trình lân cận; 212 trường hợp xây dựng công trình trên đất công, đất nông nghiệp).
Trước tình hình đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa ký ban hành Công văn số 3245/UBND-ĐT về việc tổng hợp, đôn đốc kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn. Cụ thể, đối với việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng công trình và xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra việc quản lý sử dụng đất nông nghiệp, kịp thời ngăn chặn việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp.
Đối với công trình đã xây dựng trái phép, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương kiểm tra, rà soát, phân loại cụ thể từng trường hợp có phương án xử lý theo hướng: xử phạt vi phạm hành chính, phá dỡ công trình vi phạm, thu hồi đất vi phạm pháp luật đất đai...; tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/9/2018 để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.
UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc kiểm điểm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ xử lý, xử lý chưa dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Đồng thời, các quận, huyện, thị xã cần khẩn trương, nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng. Trong đó, phân công rõ trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân, đảm bảo tiến độ xử lý xong, dứt điểm trước ngày 15/10/2018.