Đặc biệt, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội và các quận, huyện, thị xã đã chi trả nhanh, chính xác cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã bắt tay vận động người dân thực hiện nghiêm túc quy định không mở cửa hàng trước 9 giờ sáng với nhiều cách làm sáng tạo, nhờ đó lượng người, phương tiện tham gia giao thông vào buổi sáng đã có xu hướng giảm.
Nhấn mạnh về các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện tập trung chỉ đạo chăm sóc, thu hoạch vụ Xuân bảo đảm kịp thời. Tất cả các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung kế hoạch phòng chống thiên tai, trong đó tập trung kiểm tra các vật tư, công cụ, xây dựng kế hoạch nhằm mục tiêu giảm thiểu mức thấp nhất do thiên tai bão lũ. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng đàn lợn, bò, trâu, gia cầm; đặc biệt là tăng cường tái đàn lợn, không để dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã chuẩn bị tốt, rà soát lại các công trình, chương trình, dự án phục vụ, chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và các sự kiện chính trị, xã hội diễn ra trên địa bàn. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, kịp thời thông tin cho báo chí về kết quả tích cực cũng như những mặt còn chưa tốt, kết hợp tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp, gắn với phong trào thi đua tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố, Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội thi đua yêu nước của thành phố Hà Nội, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, thành phố đã trải qua 43 ngày không có ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tất cả 118 bệnh nhân trên địa bàn đã khỏi bệnh.
Thành phố đang tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 07/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong “trạng thái bình thường mới”.
Theo đó, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19; đồng thời triển khai các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế, chuẩn bị các nội dung tổ chức kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Thành phố cũng đẩy nhanh thực hiện xây dựng trường chất lượng cao, trường chuẩn quốc gia; đảm bảo chương trình, tổng kết năm học 2019-2020 và chuẩn bị tốt cho năm học 2020-2021.
Ngoài ra, thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với đối tượng người có công, người nghèo và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với phương châm hỗ trợ kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội. trên 99,9% đối tượng là người có công, được bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã nhận số tiền hỗ trợ khoảng 474,1 tỉ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố đã tích cực vận động ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 bằng tiền mặt, hàng hóa, máy móc, trang thiết bị y tế với tổng trị giá trên 172 tỉ đồng. Thành phố cũng xét duyệt cho vay từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho 22.926 lao động với 1.009 tỉ đồng; duyệt trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 22.188 người với số tiền 496,2 tỉ đồng.
Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho thấy, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2020 ước đạt 102.923 tỉ đồng, đạt 36,9% dự toán; chi ngân sách địa phương thực hiện được 23.724 tỉ đồng, đạt 23% dự toán. Bên cạnh đó, Hà Nội có các chỉ số về Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Cải cách hành chính (PAR Index) năm 2019 tiếp tục ở mức xếp hạng khá. Cụ thể, chỉ số PCI của Hà Nội đạt 68,8 điểm (tăng 3,4 điểm so với năm trước), năm thứ 2 liên tiếp Hà Nội duy trì vị trí thứ 9 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố; chỉ số PAR Index đạt 84,64%, đây là năm thứ 3 liên tiếp Hà Nội duy trì vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố.
Nhấn mạnh về hệ thống hạ tầng đô thị tiếp tục được duy trì; đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2020, thành phố đã hạ ngầm dây cáp tại 15 tuyến phố, tiếp tục thực hiện tại 4 tuyến phố, đồng thời triển khai đấu thầu các dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp. Các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 9.062 công trình, qua đó phát hiện, lập hồ sơ xử lý 176 trường hợp vi phạm. UBND các cấp huyện, xã đã xử lý dứt điểm 94/176 trường hợp vi phạm và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 82 trường hợp còn lại.
Đáng chú ý, lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm 2020 của thành phố Hà Nội đạt 1,56 tỉ đô la Mỹ; thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 9.160 tỉ đồng, trong đó có 4 dự án mới, 26 dự án điều chỉnh tăng vốn. Riêng trong tháng 4, Hà Nội có 50 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 35 triệu đô la Mỹ, trong đó có 40 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và 10 dự án liên doanh, liên kết. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2020, thành phố có 12.260 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 181.400 tỉ đồng, giảm 10% về số lượng nhưng tăng 9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019; có 1.261 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, 7.075 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, 3.669 doanh nghiệp hoạt động trở lại.