Sáng 26/4, hai cây cầu vượt lắp ghép nhẹ bằng thép đầu tiên của Hà Nội được xây dựng tại nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà và Chùa Bộc - Tây Sơn đã chính thức được thông xe, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc tại 2 trọng điểm ùn tắc giao thông của thành phố. Các đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố; Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã đến dự và cắt băng thông xe.
Phát biểu tại lễ thông xe, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: Thực hiện Nghị quyết 16 và Nghị quyết 88 của Chính phủ, thành phố Hà Nội quyết định đầu tư thi công cầu vượt lắp ghép nhẹ nhằm hạn chế ùn tắc giao thông cho Thủ đô. Giải pháp này đã nhận được sự ủng hộ của các Bộ ngành cũng như dư luận người dân. Chủ tịch UBND thành phố đã biểu dương cố gắng của Sở Giao thông Vận tải, đơn vị chủ đầu tư và các đơn vị thi công, gồm Công ty cổ phần cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long (Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long), Công ty cổ phần cầu 3 Thăng Long (Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long) đã khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, tập trung thi công, rút ngắn tiến độ từ 6 tháng theo kế hoạch xuống còn hơn 3 tháng, sớm đưa công trình vào vận hành, hạn chế ùn tắc giao thông cho Thủ đô. Đồng thời, giao Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố tiếp nhận quản lý khai thác hiệu quả công trình. Sau công trình này, thành phố đang xúc tiến để tiếp tục khởi công hai cầu vượt nhẹ tại nút giao đường Láng - Lê Văn Lương vào tháng 5 và dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2012, nghiên cứu lắp đặt thêm ở một số nút thường xuyên ùn tắc giao thông khác.
Cầu vượt lắp ghép được đưa vào sử dụng, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông. Ảnh: Hoàng Dương |
Cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà chạy dọc tuyến đường Láng Hạ, dài 189m, gồm 8 nhịp dầm thép liên tục, có tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án giao thông 3 (Sở Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư, Công ty cổ phần cơ khí 4 và xây dựng Thăng Long (Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long) thi công. Cầu vượt Chùa Bộc - Tây Sơn được xây dựng dọc phố Tây Sơn, dài hơn 249m, cũng gồm 8 nhịp dầm thép liên tục, với tổng mức đầu tư 65,5 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải) làm đại diện chủ đầu tư, Công ty cổ phần cầu 3 Thăng Long (Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long) thi công, với tổng kinh phí hai cây cầu là 132,5 tỷ đồng. Cả hai cây cầu đều cao 4,75m; rộng 9m với hai làn ôtô, hai làn xe máy, cho phép xe dưới 3 tấn lưu hành với vận tốc 40km/giờ. Phía bên dưới cầu sẽ lắp đèn tín hiệu giao thông 3 pha và căn cứ tình hình giao thông thực tế sẽ bố trí khoảng thời gian hợp lý. Phía trên cầu sẽ lắp đặt hai đầu cầu gông để hạn chế chiều cao của xe.
Theo phương án tổ chức giao thông của Sở Giao thông Vận tải, tại 2 cầu vượt chỉ có xe máy và ô tô con được phép lưu thông qua cầu vượt với tốc độ lưu thông không quá 25km/h. Các phương tiện không được lưu thông qua cầu gồm: xe thô sơ và người đi bộ; xe buýt, ô tô chở khách trên 9 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng lượng trên 3 tấn, kể cả các loại máy kéo và xe máy thi công chuyên dùng. Các phương tiện lưu thông tại khu vực nút giao dưới gầm cầu theo sự điều tiết của hệ thống đèn tín hiệu giao thông và hệ thống sơn, kẻ đường trong khu vực.
Tuyết Mai