Trước thềm cuộc bầu cử, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội về công tác chuẩn bị để vừa đảm bảo an toàn cho Ngày hội lớn thành công, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.
Xin ông cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị của thành phố Hà Nội cho cuộc bầu cử sắp diễn ra?
Với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, mà cụ thể là Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo Bầu cử, Ủy ban Bầu cử, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố đã nghiêm túc, quyết liệt, chủ động từ sớm để triển khai các nhiệm vụ công tác. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần trách nhiệm cao, bài bản, khoa học, đổi mới, sáng tạo, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, sự phối hợp giữa các cơ quan của thành phố và sự đồng lòng của người dân, cho đến nay, các nội dung liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn thành phố cơ bản hoàn tất, đúng tiến độ bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật và thống nhất cao.
Cụ thể, thành phố Hà Nội có khoảng 5,4 triệu cử tri; 10 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 30 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND thành phố, 269 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, 3.056 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và 4.831 khu vực bỏ phiếu.
Công tác chuẩn bị từ việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho đến công tác tuyên truyền, tập huấn công tác bầu cử, công tác đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện đồng bộ.
Toàn bộ phiếu bầu, thẻ cử tri, các loại biên bản, biểu mẫu thống kê, phù hiệu, cờ Tổ quốc, Quốc huy… đã được chuyển đến Ủy ban Bầu cử các quận, huyện, thị xã để gửi tới các Tổ Bầu cử. Có thể nói, nét nổi bật của cuộc bầu cử lần này là thành phố làm rất cẩn thận, với mong muốn từng người dân hiểu được ý nghĩa cũng như biết rõ ràng về lý lịch của các ứng cử viên để có sự lựa chọn đúng đắn. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền liên tục trên các phương tiện truyền thông, hệ thống truyền thanh xã phường, thành phố còn gửi danh sách, hồ sơ ứng cử đến tận từng hộ gia đình từ rất sớm.
Công tác giám sát luôn được cử tri quan tâm, vậy thành phố đã làm gì để tăng cường giám sát các nội dung liên quan đến bầu cử?
Phải khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát là rất quan trọng để các cấp làm đúng quy trình pháp luật. Điểm mới, sáng tạo trong công tác kiểm tra, giám sát công tác bầu cử nhiệm kỳ này là thống nhất trong công các lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng với hoạt động giám sát của HĐND, công tác kiểm tra của Ủy ban Bầu cử, giám sát của MTTQ thành phố.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập 15 đoàn công tác để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc triển khai, thực hiện công tác bầu cử, đồng thời kết hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 30 quận, huyện, thị xã. HĐND thành phố cũng thành lập 2 đoàn giám sát. Ủy ban MTTQ, các đoàn thể thành phố, các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử. Các Đoàn kiểm tra của thành phố đã tổ chức kiểm tra, giám sát 2 đợt với 65 lượt, kiểm tra tới các thôn, tổ dân phố và khu vực bỏ phiếu. Hiện nay, thành phố đang tập trung công tác kiểm tra, giám sát đợt 3 cho đến hết Ngày Bầu cử.
Qua các cuộc kiểm tra, giám sát, các Đoàn công tác của Thành ủy, Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội đã kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị biện pháp khắc phục, góp phần cho cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thu hút và tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Đặc biệt, Ủy ban Bầu cử thành phố còn quan tâm đến công tác tuyên truyền, nắm và định hướng tình hình dư luận, vận động nhân dân phát huy quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tham gia bỏ phiếu.
Qua đánh giá, chất lượng ứng cử viên được nâng lên so với nhiệm kỳ trước, ông có thể minh chứng điều này rõ hơn?
Chất lượng đại biểu luôn được thành phố quan tâm, bởi vì đây chính là hạt nhân đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiệm kỳ 2021-2026 số lượng đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố đều ít hơn so với nhiệm kỳ trước. Vì vậy để nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và của HĐND thành phố, càng cần thiết tăng cường chất lượng của các ứng cử viên. Vì vậy, thành phố đã rất kỹ càng trong việc xác định cơ cấu người ứng cử, tổ chức thành công 3 vòng hiệp thương lựa chọn được 37 người do địa phương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 160 người ứng cử đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện, cơ cấu theo quy định. Chất lượng của các ứng cử viên nhiệm kỳ này cao hơn so với nhiệm kỳ trước, với 100% ứng cử viên đại biểu Quốc hội có trình độ Đại học trong đó 27 người từ Thạc sỹ trở lên (15 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ); 98,13% ứng cử viên đại biểu HĐND thành phố có trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên, trong đó 108 người (67,5%) từ Thạc sỹ trở lên (27 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ).
Đáng chú ý đại biểu nữ được chú trọng với tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội là 41,67% và đại biểu HĐND thành phố là 38,75%, cao hơn so với quy định. Tỷ lệ người trẻ và ngoài Đảng ứng cử đại biểu Quốc hội đạt 19,44% và HĐND là 8,33%...
Thành phố Hà Nội đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó như thế nào để vừa tổ chức thành công Ngày hội bầu cử vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh?
Thành ủy Hà Nội quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, các cấp cơ sở luôn chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch bệnh và tổ chức công tác bầu cử. Điển hình, vừa qua có nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện các mô hình hay trong phòng chống dịch bệnh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện đồng thời với công tác đảm bảo cơ sở vật chất, an ninh trật tự phục vụ đảm bảo an toàn cho công tác bầu cử. Các cuộc tiếp xúc cử tri của người ứng cử không những đảm bảo đúng luật mà thành phố luôn chú trọng về an toàn phòng, chống dịch bệnh tại địa điểm tổ chức. Thành phố đã vận dụng linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri có kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để vừa an toàn, vừa nhiều người dân được nghe, được biết.
Để cuộc bầu cử diễn ra thành công, thực sự là Ngày hội của toàn dân, Ủy ban Bầu cử các cấp đã sẵn sàng mọi phương án, an ninh trật tự, nhân sự, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết cho từng khu vực, tại 4.831 khu vực bỏ phiếu theo Kế hoạch 538, Công điện 668 của Bộ Y tế, Công văn số 2135 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Ủy ban Bầu cử thành phố hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tổ chức các điểm bỏ phiếu lưu động và xây dựng các kịch bản cho ngày bầu cử với nhiều tình huống. Thứ nhất, thực hiện bầu cử tại một khu vực bỏ phiếu cố định tại các điểm bầu cử thuộc các phường, xã, thị trấn. Thứ hai, tổ chức bầu cử cho những người đang thực hiện cách ly tại nhà. Thứ ba, tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế, ví dụ như Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Thứ tư, tổ chức bầu cử trong khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa hoặc thực hiện giãn cách xã hội.
Ủy ban Bầu cử thành phố đã chỉ đạo UBND cấp xã trên toàn thành phố rà soát chi tiết danh sách cử tri, di chuyển biến động của cử tri đối với các khu vực, như: Nhà ở công nhân, khu trọ sinh viên, các trường đại học, bệnh viện, khu cách ly, khu phong tỏa…
Thành phố Hà Nội sẽ gương mẫu đi đầu, làm hết sức mình và luôn trong tư thế sẵn sàng trong mọi tình huống để bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!